Rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm trải dài trên 03 huyện, thị xã của tỉnh gồm: Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với diện tích là 6.544,7 hecta. Trong điều kiện khí hậu đang biến đổi như hiện nay, thời tiết mang tính bất thường và phức tạp hơn, đe dọa hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển, những khu vực không có đai rừng che chắn dễ bị thiệt hại nặng. Nhận thức được vai trò quan trọng của lâm nghiệp đối với việc giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án góp phần khôi phục, bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng ổn định sinh kế cho người dân sinh sống tại khu vực vùng ven biển.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. (Ảnh báo Sóc Trăng chụp trước tháng 4/2021) |
Rừng ngập mặn vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng chạy dọc suốt chiều dài 72km bờ biển, giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển, ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp... Do điều kiện tự nhiên mà rừng phòng hộ ngập mặn bị chia cắt bởi nhiều sông rạch, kênh mương thủy lợi, lại tiếp giáp với biển nên vùng ven biển dễ bị tác động bởi thời tiết bất thường trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay. Đặc điểm địa lý này cũng gây khó khăn trong việc di chuyển tuần tra bảo vệ rừng. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, cán bộ phụ trách lâm nghiệp cấp huyện và xã còn thiếu nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phần lớn diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh chưa thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, công tác quản lý rừng chủ yếu vẫn do nhà nước quản lý, một phần diện tích cho thuê sản xuất kết hợp quản lý, bảo vệ rừng.
Để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm kết hợp với các chương trình, dự án đã thành lập các tổ bảo vệ rừng, nhóm đồng quản lý rừng ven biển. Hằng năm, Chi cục có kế hoạch phối hợp với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân sống gần rừng, vận động các đối tượng viết cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng trên từng địa phương có rừng.
Đồng chí Nguyễn Đức Hoàng – Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Việc bảo vệ rừng trước kia còn gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu biết về giá trị nhiều mặt của rừng ngập mặn. Mặt khác, nguồn nhân lực bảo vệ rừng chủ yếu là người dân lao động tại địa phương, có thể đủ đáp ứng nhu cầu việc bảo vệ rừng. Chính vì vậy, các ngành quản lý chú ý nâng cao vai trò hợp tác bảo vệ rừng của người dân các địa phương, đặc biệt là những hộ dân gắn liền lợi ích cuộc sống của mình với các cánh rừng. Hiện toàn tỉnh có 02 hạt kiểm lâm gồm hạt kiểm lâm tại thị xã Vĩnh Châu và hạt kiểm lâm liên huyện Long Phú - Trần Đề - Cù Lao Dung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập được 19 tổ quản lý, bảo vệ rừng . Qua các đợt tuyên truyền và vận động, có thể nói ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân đã có bước chuyển tích cực hơn. Ở hầu hết các địa phương trong nhiều năm nay không còn ghi nhận các vụ chặt phá cây rừng hay là xâm phạm đất rừng. Bà con tự nguyện tham gia cùng ngành chức năng trong các hoạt động trồng rừng, làm rào chắn bảo vệ diện tích rừng...”.
Do đặc điểm là rừng ngập mặn ven biển nên các mô hình nông - lâm thích hợp với địa phương là nuôi thủy sản dưới tán rừng. Được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai thử nghiệm một số mô hình nông lâm kết hợp như: Nuôi ốc len, vọp, ba khía, cá thòi lòi, vịt biển. Hiện nay một số mô hình bước đầu có hiệu quả và tiếp tục duy trì như mô hình nuôi ốc len - ba khía ở nhóm đồng quản lý ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam; mô hình ốc len - ba khía - cá thòi lòi ở tổ quản lý, bảo vệ rừng ấp An Quới, xã An Thạnh Ba; mô hình nuôi ốc len mới triển khai thực hiện vào cuối năm 2019 ở tổ quản lý, bảo vệ rừng ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung. Nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình nuôi tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng thức ăn nên chi phí rất thấp. Hộ được giao khoán chỉ cần tận dụng mặt nước dưới tán rừng để thả nuôi thủy sản. Nhờ nguồn thức ăn chủ yếu là rong tảo hoặc một số loài sinh vật sẵn có từ thiên nhiên nên các loài thủy sản sinh trưởng khá tốt và cho hiệu quả kinh tế cao sau mỗi đợt thu hoạch.
Ông Nguyễn Minh Trí - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: “Hiện nay mô hình này cũng đã phát triển được 03 hecta, trong đó thả nuôi chủ yếu là con vọp và ốc len. Nhìn chung, thời gian qua mô hình phát triển rất tốt, mình chỉ cần tham gia bảo vệ thôi, không tốn chi phí thức ăn. Bà con cũng rất hy vọng mô hình sẽ ngày càng được mở rộng để góp phần tạo được thu nhập dài lâu cho gia đình, cũng như tạo điều kiện để người dân sinh sống dưới tán rừng có thể trực tiếp cùng tham gia bảo vệ rừng tại địa phương”.
Hằng năm với nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn thực hiện việc phát triển tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và người dân sống gần rừng, gắn bó với rừng, các nhóm đồng quản lý rừng. Các dự án đã góp phần tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển mỗi năm là 300 hecta, tạo vành đai che chắn bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế xói lở bờ biển, phát huy hiệu quả cố định lượng phù sa, ổn định và mở rộng bãi bồi, che chắn gió bão, bảo vệ bờ biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển; ổn định môi trường sinh thái cho khu vực và duy trì một hệ sinh thái đặc trưng của vùng; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhân dân các xã khó khăn ven biển.
Với nguồn kinh phí giao khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ các thành viên tổ bảo vệ rừng tăng thêm thu nhập, tích cực phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép. Mỗi năm có gần 50 km diện tích hàng rào tre được xây dựng lên, bảo vệ hàng nghìn hecta rừng. Tuy phương án hàng rào tre chỉ là giải pháp “mềm” và ngắn hạn, nhưng lại có tác dụng hạn chế áp lực dòng chảy và chiều cao của sóng, bảo vệ những tán rừng mới trồng. Tại các địa phương, Hạt Kiểm lâm cũng đã xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng, công an xã, ấp, các tổ trồng và bảo vệ rừng. Phối hợp tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc cùng khôi phục và bảo vệ rừng.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện, huyện Cù Lao Dung - Nguyễn Anh Tài thông tin thêm: “Đối với huyện Cù lao Dung thì có 03 tổ bảo vệ rừng, gồm tổ bảo vệ rừng của xã An Thạnh Ba, tổ bảo vệ rừng của ấp Võ Thành Văn và tổ bảo vệ rừng của ấp Vàm Hồ với số lượng mỗi tổ là 15 thành viên. Song song đó, cũng thành lập được 01 nhóm đồng quản lý ở ấp Võ Thành Văn. Thời gian qua Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rất quan tâm đối với công tác trồng và bảo vệ rừng. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan tại địa phương, lực lượng công an, biên phòng, xã đội tổ chức đi tuần tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc chặt phá hay lấn chiếm đất rừng. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã tổ chức được hơn 30 lượt tuần tra, tuyên truyền”.
Do được tổ chức giao khoán chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát nên kết quả thực hiện việc bảo vệ rừng của các hộ dân luôn đảm bảo yêu cầu đặt ra. Chất lượng rừng không ngừng được gia tăng, độ che phủ của rừng được nâng cao, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng không còn xảy ra. Đặc biệt không còn tình trạng người dân khai thác lâm sản trái phép. Đa dạng sinh học của rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền bảo vệ rừng phòng hộ ven biển theo hướng đa dạng, dễ hiểu và có nhiều hình ảnh sinh động, theo dự báo của biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin… Tăng cường vai trò của người dân trong công tác tuyên truyền, giám sát đối với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để mỗi người là một kênh tuyên truyền mới, góp sức cùng cộng đồng chung tay bảo vệ rừng.
Tình hình kinh tế xã hội các huyện, thị xã ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong các năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Bước đầu đã định hướng được các vùng phát triển kinh tế trọng điểm, tiềm lực kinh tế của địa phương ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, do các khu vực phát triển kinh tế ven biển chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, trong khi biến đổi khí hậu luôn có những tác động khó lường nên thường xuyên đe dọa đến hoạt động sản xuất của cư dân vùng ven biển. Chính vì thế, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là vô cùng cần thiết trước diễn biến thời tiết cực đoạn như hiện nay. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển vào sâu trong nội địa, điều hòa khí hậu trong vùng, khôi phục hệ sinh thái vùng ven biển. Qua đó, góp phần tăng nguồn thủy hải sản tự nhiên của địa phương và giúp cải thiện sinh kế của người dân trong vùng vốn có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc nghèo vùng ven biển.