Tiềm năng, trữ lượng lớn
Theo số liệu của Đề án Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản khu vực biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1:100.000 do Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) thực hiện cho thấy, nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng vùng biển ven bờ của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn, trong đó, trữ lượng khoáng sản cát có thể làm vật liệu xây dựng và san lấp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khoảng 13,9 tỷ m3.
Tỉnh Sóc Trăng muốn thử nghiệm dùng cát biển thay thế cát sông phục vụ thi công các dự án cao tốc. Trong ảnh là bãi biển Hổ Bể, Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện đang triển khai một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, khu vực và cả nước như dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa phận Sóc Trăng với chiều dài 58,4km; phát triển tuyến đường trục hướng Bắc - Nam kết nối từ chân cầu Đại Ngãi với TX. Vĩnh Châu có chiều dài khoảng 40km và triển khai xây dựng Khu bến cảng Trần Đề.
Thời gian tới, nhu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm ở địa phương rất lớn, ước tính hơn 250 triệu m3. Trong đó, cần khoảng 2 triệu m3 đất cát để san lấp mặt bằng dự án phát triển tuyến đường trục hướng Bắc - Nam kết nối từ chân cầu Đại Ngãi với TX. Vĩnh Châu; 6,7 triệu m3 cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa phận Sóc Trăng; khoảng 242,5 triệu m3 đất cát để thực hiện các hạng mục: khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, khu ngoài khơi thuộc dự án xây dựng Khu bến cảng Trần Đề.
Sóc Trăng là tỉnh có vị trí nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, chiều dài bờ biển hơn 72km, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển. Hiện, tỉnh Sóc Trăng mong muốn dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sớm được triển khai thực hiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu san lấp phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù nhu cầu về đất, cát để san lấp mặt bằng tương đối lớn, tỉnh Sóc Trăng có địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nên cát lòng sông thuộc khu vực tỉnh có chất lượng xấu, khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm có tính chất kỹ thuật cao. Do đó, để có nguồn cát đáp ứng nhu cầu thi công các công trình, dự án, các sở ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với chủ đầu tư tiến hành khảo sát các mỏ cát nằm trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh để phân tích, đánh giá, xác định chất lượng phục vụ dự án thành phần trên địa bàn tỉnh.
Siết chặt quản lý, bảo vệ
Cùng với việc đề xuất phương án khai thác cát vùng ven biển để phục vụ hạng mục san lấp mặt bằng của các công trình, dự án trọng điểm ở địa phương, tỉnh Sóc trăng cũng đang đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có. Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực và từng bước đi vào nền nếp.
Tỉnh Sóc Trăng còn kịp thời triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo công tác quản lý khoáng sản cát sông, cát biển ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, ngoài việc siết chặt công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Sở TN&MT còn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân; đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.
Thời gian tới, trước nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng, để quản lý hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông đạt hiệu quả, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương giáp ranh để kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông.