(TN&MT) - Trong thời gian qua, thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng về việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh;... ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý các lĩnh vực của ngành...
Hiện nay, công tác chỉ đạo điều hành tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã dần chuyển sang số hóa thông qua phần mềm do tỉnh triển khai và đơn vị tự phát triển như: quản lý văn bản điện tử, quản lý một cửa điện tử, quản lý nhân sự, quản lý tài sản, tài chính,...công khai hoạt động ngành, công bố thông tin theo quy định của pháp luật, phổ biến pháp luật, công khai thủ tục hành chính,... qua môi trường mạng internet thông qua cổng thông tin điện tử, cổng thông tin công khai về tài nguyên và môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính và dịch vụ công của sở đạt tất cả ở mức độ 2, trong đó có 9 thủ tục và dịch vụ đạt mức độ 3; xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về môi trường, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cam kết, đề án và kế hoạch bảo vệ môi trường cho cấp huyện sử dụng và cập nhật thường xuyên. Đồng thời, "Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thông qua luân chuyển hồ sơ số giữa Văn phòng ĐKĐĐ cấp tỉnh và các Chi nhánh huyện, thị xã, thành phố; ứng dụng phần mềm chuyên ngành để thu thập, xử lý dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ thông tin công tác đo đạc bản đồ, biên tập bản đồ, phân tích, xử lý số liệu quan trắc,...
Tuy nhiên, ông Bùi Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng còn một số hạn chế liên quan đến việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý điều hành chưa triệt để, còn kết hợp giữa số hóa và thủ công gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tuy có số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, tỷ lệ hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ trực tuyến ít, ứng dụng nhiều phần mềm cho hoạt động chuyên môn, nhưng còn rời rạc, dữ liệu phân tán, chưa có giải pháp tổng hợp hiệu quả, hồ sơ chưa được số hóa còn nhiều, đặc biệt là đối với lĩnh vực đất đai, cơ sở dữ liệu đã có triển khai xây dựng nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực...
"Nguyên nhân của các hạn chế này là do kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh và ngành còn hạn chế, một số phần mềm triển khai dùng chung mang tính thử nghiệm, chưa triệt để, công tác tuyên truyền cho người dân tham gia vào dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa tốt, chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành chỉ mang tính xử lý riêng biệt, chưa có quy chế quản lý hiệu quả, tài liệu của ngành quá rộng, nhiều hồ sơ tài liệu mang nhiều thông tin khác nhau nhưng chưa có giải pháp chuẩn hóa, đồng bộ phù hợp, kinh phí cho việc số hóa tài liệu hàng năm còn ít..."- Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, Bùi Việt Phương thông tin.
Để khắc phục được những hạn chế nêu trên, ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho rằng: " Phải xây dựng khung Chính quyền điện tử Ngành Tài nguyên và Môi trường theo khung Chính quyền điện tử tỉnh, triển khai thực hiện các phần mềm quản lý phục vụ chỉ đạo điều hành có hiệu quả theo lộ trình triển khai thực hiện các phần mềm dùng chung của tỉnh để đảm bảo liên thông, liên kết theo mô hình Chính quyền điện tử. Xây dựng quy chế phối hợp chia sẽ cơ sờ dữ liệu giữa Ngành Tài nguyên và Môi trường với cơ quan Thuế, Kế hoạch và Đầu tư; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách...".
Song song đó, tiếp tục hoàn thiện cổng thông tin điện tử, cổng công khai thông tin tài nguyên và môi trường, cập nhật thông tin thường xuyên để công khai hoạt động, thông tin của ngành, phổ biến chính sách pháp luật, công khai thủ tục hành chính và các nội dung cần công khai, công bố khác. Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng với hình thức phù hợp thông qua cổng thông tin điện tử, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp; sử dụng các phần mềm chuyên ngành hiệu quả, đẩy mạnh sử dụng công nghệ mới, phát huy được các kết quả thu về từ các phần mềm chuyên ngành để hiện đại hóa công tác chuyên môn và xây dựng tốt cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, đối với các phần mềm chuyên ngành cần có quy chế quản lý phù hợp để tránh phân tán dữ liệu, lạc hậu dữ liệu;...