Nhiều chủ trương ưu tiên phát triển nước sạch
Trước đây, nhiều xã tại huyện Sóc Sơn chưa được xây dựng trạm cấp nước tập trung, chưa có hệ thống đường ống cấp nước, dẫn đến thiếu nước sạch sinh hoạt. Để giải quyết vấn đề này, năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã)”. Giai đoạn I năm 2019, huyện Sóc Sơn có 7 xã (Đông Xuân, Phú Minh, Xuân Giang, Đức Hòa, Việt Long, Xuân Thu, Kim Lũ) được xây mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (nay là Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm) thực hiện.
Thúc đẩy dự án cung cấp nước sạch cho người dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) |
Tháng 10/2019, UBND thành phố đã phê duyệt hơn 19 tỷ đồng cấp bù giá nước sinh hoạt năm 2018 cho nhân dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn) để phục vụ nhân dân nằm trong vùng ảnh hưởng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Sóc Sơn do Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện năm 2018 là 19.045.576.000 đồng từ nguồn chi trợ giá nước sạch.
Thành phố giao Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện các thủ tục cấp bù nước theo quy định; thu tiền nước cho mục đích sinh hoạt đối với mức tiêu thụ lớn hơn 3m3/người/tháng (tối đa không quá 20 m3/hộ/tháng), lớn hơn 60 m3/tháng đối với trường mầm non, lớn hơn 15 m3/tháng đối với cơ quan, đơn vị khác theo đơn giá nước sinh hoạt quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Sở Tài chính thực hiện việc cấp bù kinh phí cho Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội. Sở Xây dựng phối hợp với Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội xây dựng cơ chế quản lý các vòi công cộng (giờ mở nước, thời gian mở nước…) để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các vòi công cộng.
Nhưng vẫn giậm chân tại chỗ
Với những giải pháp thiết thực như vậy, những tưởng người dân huyện Sóc Sơn sẽ được hưởng nước sạch, bảo đảm cho cuộc sống. Tuy vậy, theo báo cáo mới đây của Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt thấp, chỉ khoảng 18,2%.
Đặc biệt, dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn do liên doanh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (nay là Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm) thực hiện đang bị chậm tiến độ 1 năm.
Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, mặc dù, từ tháng 1/2018 đến nay, chủ đầu tư vẫn gửi báo cáo tiến độ hằng tháng, nhưng tiến độ thi công công trình lại chậm so với thực tế. Ngoài ra, đường ống truyền dẫn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống cũng chưa được lắp đặt để cấp nước trên địa bàn huyện, dẫn đến người dân Sóc Sơn chưa được sử dụng nước sạch.
Mặc dù, toàn huyện có 14/26 xã được sử dụng nước sạch, nhưng mạng lưới cấp nước của Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội quản lý chỉ cung cấp cục bộ đến được một số vùng của các xã, thị trấn. Trong khi đó, nhiều xã đến nay chưa được xây dựng trạm cấp nước tập trung, chưa có hệ thống đường ống cấp nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện rất lớn.
Hiện nay, một số xã vẫn chưa có hệ thống cấp nước sạch, tại xã Thanh Xuân, người dân buộc phải sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi, hoặc tích trữ nước mưa. Mùa khô nước giếng khơi cạn, nhiều nhà phải bơm nước từ sông Cà Lồ vào vườn để nước thẩm thấu qua đất, chảy vào giếng khơi, hoặc mua nước tinh khiết để sử dụng.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, để thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được dùng nước sạch trong năm 2020, huyện đang tập trung rà soát, đánh giá lại khả năng cấp nước sạch của Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, xác định các khu vực nguồn nước chưa ổn định hoặc việc cấp nước hay bị gián đoạn làm cơ sở để báo cáo, đề xuất thành phố bổ sung nhà đầu tư cấp nước. Riêng dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã trên địa bàn, huyện yêu cầu chủ đầu tư nếu có khó khăn, cần phối hợp để giải quyết dứt điểm và cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2020.