(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin tới bạn đọc liên quan đến tình trạng rừng phòng hộ tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện...
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin tới bạn đọc liên quan đến tình trạng rừng phòng hộ tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội bị xẻ thịt xây dựng trái phép. Trong đó, nổi bật là “siêu” tổ hợp công trình gồm biệt thự, lâu đài hoành tráng mang tên Hoàng Lê Gia Garden của bà Nguyễn Thị Thu Hương.
Suốt một thời gian dài các cá nhân đã gom đất bằng nhiều cách như sang tay, ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất quy hoạch rừng phòng hộ... Điều đáng nói, nhiều hồ sơ chuyển nhượng đất đã được đích danh ông Dương Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí ký xác nhận chuyển nhượng một cách tùy tiện, trái pháp luật?!
Theo tìm hiểu, vào những năm 1985, huyện Sóc Sơn đã có chính sách đưa các hộ dân tại một số xã trên địa bàn vào khu vực hồ Đồng Đò trồng rừng, phát triển bảo vệ rừng. Chính sách này nếu được thực hiện tốt thì sẽ đảm bảo người dân có thể sống với rừng, bảo vệ rừng và làm giàu trên đất rừng.
Được biết, hiện nay UBND huyện Sóc Sơn đang quản lý hơn 2000ha rừng. Ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2100/QĐ-UB về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn năm 1998 thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo đó diện tích quy hoạch được điều chỉnh xuống còn 4.557ha bao gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Nam Sơn… và Lâm trường Sóc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn. Như vậy có thể thấy toàn bộ diện tích còn lại của xã Minh Trí nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ.
Nhưng vì sao những vụ mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ vẫn diễn ra trót lọt, để rồi người dân đã tự ý san gạt đồi, phá rừng, xây dựng biệt thự, lâu đài, khu nghỉ dưỡng trái phép. Điều đặc biệt, các hồ sơ phóng viên thu thập được, UBND xã Minh Trí chính là nơi những giấy tờ, hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất, đất rừng phòng hộ được chứng thực một cách tùy tiện.
Điển hình như việc ký chuyển nhượng giữa ông Nguyễn Quang Trì + bà Đinh Thị Hán - bên A (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn - pv) với bên nhận chuyển nhượng ông Nguyễn Văn Nhi - bên B (thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - pv), thì bên A đã chuyển nhượng cho bên B thửa đất có diện tích 3.721m2. Thửa đất này hiện nằm trong siêu tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden.
Ngày 16/5/2017, hợp đồng trên đã được chính ông Dương Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí chứng thực, xác nhận: “Không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội”. Sau đó, ông Vượng còn tiến hành chứng thực, xác nhận vào hồ sơ kỹ thuật thửa đất và “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và vườn liền kề” giữa bên bán là ông Nguyễn Quang Trì + bà Đinh Thị Hán và bên mua là ông Nguyễn Văn Nhi.
Để có được diện tích chính xác 3.721m2, ông Trì và bà Hán đã được Công ty Cổ phần Đo đạc địa chính và Phát triển nhà Đất Việt tiến hành đo ngày 16/5/2017 (có hồ sơ thửa đất mang số 626/2017/HSTĐ kèm theo - pv). Quá trình đo đạc, có sự chứng kiến của trưởng thôn Minh Tân, cán bộ địa chính xã Minh Trí là ông Đỗ Văn Ba. Việc mua bán, chuyển nhượng trên sẽ là bình thường nếu đây là diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải diện tích đất rừng phòng hộ, được pháp luật cho phép chuyển nhượng.
Điều đặc biệt, trên hợp đồng chuyển nhượng đã ghi rất rõ: “Mục đích sử dụng đất: Theo quy hoạch sử dụng đất” và quy hoạch sử dụng đất tại địa điểm nêu trên vẫn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND xã Minh Trí đã cố tình quên đi quy hoạch, quên đi mọi quy định của pháp luật chấp thuận cho việc mua bán trên. Để rồi sau đó, dựa vào các giấy tờ, hợp đồng chuyển nhượng này các chủ nhân đứng sau của những thửa đất trên đã tiến hành xây dựng trái phép các công trình “khủng”.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, ông Dương Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí cũng có mặt. Sau khi phóng viên đặt câu hỏi tới thực trạng trên, ông Vượng cho rằng đây là do lỗi quy hoạch, không xác minh được nguồn gốc đất. Sau đó, phóng viên đã chỉ rõ trên một số hợp đồng chuyển nhượng đều ghi: “Mục đích sử dụng đất: Theo quy hoạch sử dụng đất” là đất rừng phòng hộ và pháp luật không cho phép mua bán, chuyển nhượng và xây dựng. Lúc này, ông Vượng im lặng và không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên.
Khoản 2, Điều 192, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó. Vậy là, như trường hợp ở trên không đủ điều kiện để chuyển nhượng! UBND xã Minh Trí biết rõ việc này, nhưng không hiểu vì sao vẫn chứng thực cho việc mua bán trên?!
Đề nghị UBND Tp. Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần vào cuộc xác minh các tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm trên.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.