Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp |
Gỡ vướng về thiếu hụt nguồn cát xây dựng
Tại Hội nghị, Sở TN&MT đã nhận được ý kiến kiến nghị của Cty CP Bê tông Sơn La về việc cần có giải pháp sớm cung cấp nguồn cát xây dựng, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Để giải quyết vấn đề trên, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công 3 cuộc đấu giá 22 điểm mỏ cát trên Sông Mã.
Tới nay, 1 Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản và được chấp thuận đầu tư, Sở TN&MT đang tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; 1 Cty đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản, nhưng đang xin rút Hồ sơ để bổ sung nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020. Còn 1 đơn vị chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ cát đã trúng đấu giá.
Quang cảnh hội nghị |
Để sớm có nguồn cát xây dựng cung cấp ra thị trường, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng đã nằm trong quy hoạch. Đồng thời, tham mưu cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án thủy lợi và thủy điện để cung cấp vật liệu ra thị trường. Chủ động cắt giảm thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Đối với Sở Công Thương, tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với lòng hồ thủy điện (theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ).
Đối với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp tốt với Sở TN&MT, Sở Công thương trong việc tham gia ý kiến, thẩm định và chủ động thực hiện các bước quy trình, thủ tục thuộc trách nhiệm của sở, ngành, đơn vị mình nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các doanh nghiệp, chủ đầu tư giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đúng pháp luật, để cấp phép khai thác vật liệu xây dựng cung ứng cát cho hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, đề nghị khẩn trương lập, chỉnh sửa, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan; lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện việc lập hồ sơ, phối hợp chỉnh sửa bổ sung số liệu và hoàn thiện hồ sơ khi có kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Cty CP Cấp nước Sơn La kiến nghị cần có thêm các giải pháp bảo vệ nguồn nước |
Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước
Cty CP Cấp nước Sơn La kiến nghị cần có những giải pháp hỗ trợ các đơn vị cấp nước đóng trên địa bàn về tranh chấp nguồn nước trong thời gian này do nắng nóng kéo dài, hạn hán gây ra cạn kiệt một số nguồn nước, và có những giải pháp lâu dài để khắc phục trong thời gian tới; việc triển khai thực hiện Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất…
Về nội dung này, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đảm bảo nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt luôn được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Sở TN&MT đã đề nghị UBND cấp huyện, xã tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời giải quyết các tranh chấp (nếu có) dựa trên nguyên tắc nêu trên. Tăng cường bảo vệ nguồn nước khai thác, bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn sinh thủy phục vụ lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, Cty CP Cấp nước Sơn La cũng cần có trách nhiệm tìm kiếm nguồn nước dự phòng để có phương án thay thế trong trường hợp nguồn nước hiện tại bị sự cố ô nhiễm hoặc cạn kiệt.
Về trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc bảo vệ tài nguyên nước đã được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 71 Luật Tài nguyên nước năm 2012; và Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014.
Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, Sở TN&MT đã được UBND tỉnh giao tham mưu lập Dự án “Điều tra, đánh giá khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La”.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành các bước xin ý kiến các Sở ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan; thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và xin ý kiến Bộ TN&MT. Do bổ sung thêm nội dung khoanh định các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nên hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý III/2020.
Sau khi Dự án được phê duyệt, căn cứ Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Sở TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công trình khai thác hiện có thuộc các vùng, khu vực hạn chế đã được công bố; lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Nghị định 167/2018/NĐ-CP.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Nguyễn Thế Phương giải đáp một số vấn đề liên quan đến công tác GPMB trên địa bàn thành phố |
Tiếp đó, Hội nghị cũng tiếp tục ghi nhận ý kiến về việc điều chỉnh đơn giá cát và đá cho phù hợp với thực tế của Chi hội Doanh nghiệp huyện Phù Yên, Thuận Châu; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khách sạn du lịch thuộc Trung tâm Du lịch lữ hành tại bản Noong La, phường Chiềng Sinh (Thành phố Sơn La) của Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La; giảm tiền thuê đất cho Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của thời tiết cực đoan, dẫn đến sản lượng, doanh thu của Công ty sụt giảm…
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện Sở TN&MT Sơn La cùng các sở, ngành liên quan đã giải đáp cơ bản các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Việc tổ chức đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực TN&MT là hoạt động được Sở TN&MT Sơn La duy trì thường xuyên hàng quý, nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ đó góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực về TN&MT.