Số hóa toàn bộ kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn

Tuyết Chinh| 04/07/2020 12:11

(TN&MT) - Đó là một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin lĩnh vực khí tượng thủy văn giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030.

Dữ liệu được quản lý, lưu trữ, khai thác và chia sẻ tập trung

Trong những năm qua, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng mạnh mẽ và phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt của cuộc sống, hiện đại hóa ngành khí tượng thuỷ văn (KTTV) đã đạt được những bước phát triển mới trong lĩnh vực Thông tin và Dữ liệu, phục vụ hiệu quả công tác dự báo và cảnh báo KTTV.

Những thay đổi lớn cả về nhân lực và công nghệ đã đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc ứng dụng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để giám sát, theo dõi, phát hiện sớm, cảnh báo và ngăn ngừa những hiểm họa do thiên tai gây ra nhằm bảo vệ sự an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân là một tất yếu khách quan.

Tổng cục KTTV đã có hệ thống hội nghị trực tuyến được trang bị đến 9 Đài KTTV khu vực và 54 Đài KTTV tỉnh

Theo Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT), hiện nay, Tổng cục đã có hệ thống hội nghị trực tuyến được trang bị đến 9 Đài KTTV khu vực và 54 Đài KTTV tỉnh; hệ thống tính toán hiệu năng cao CRAY XC40-AC; các máy chủ nghiệp vụ; các thiết bị tường lửa checkpoint 5900, thiết bị chống DDos, thiết bị cân bằng tải và ứng dụng F5; hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu tại Hà Nội.

Về hệ thống phần mềm nghiệp vụ, Tổng cục đã được trang bị phần mềm bản quyền cơ sở dữ liệu Oracle và hệ thống thông tin địa lý ArcGIS; hệ thống phần mềm phục vụ tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo thời tiết CDH – FSS; phần mềm SmartMet.

Với các hệ thống mới được đầu tư công tác cho Thông tin và Dữ liệu đã từng bước được liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống từ trạm quan trắc, các Đài KTTV tỉnh, khu vực và các đơn vị tại Trung ương. Dữ liệu đã được quản lý, lưu trữ, khai thác và chia sẻ tập trung.

Ứng dụng và phát triển CNTT lĩnh vực KTTV theo từng giai đoạn

Thực tế cũng chỉ ra rằng, hiện đại hóa ngành KTTV là một quá trình phát triển lâu dài và còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục. Có thể kể đến các vấn đề về hạ tầng trang thiết bị mạng và máy chủ của DC tại Hà Nội cơ bản đã hết hạn sử dụng; hệ thống lưu trữ đầy trong khi mỗi ngày dữ liệu KTTV cần xử lý, lưu trữ; hệ thống bảo mật an toàn an ninh thông tin mạng và dữ liệu còn nhiều hạn chế, trong khi các cuộc tấn công mạng ngày càng diễn ra mạnh mẽ và phức tạp…

Từ thực tế đó, vấn đề ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian qua cần đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phải hoàn thiện. Trong đó, trang bị được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, tập trung có tính dự phòng cao, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng và dữ liệu, hoạt động tốt trong những điều kiện thiên tai xảy ra; đồng thời đảm bảo thực hiện chức năng thu nhận, bảo quản, lưu trữ, khai thác và chia sẻ thông tin dữ liệu KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV, công tác dịch vụ KTTV.

Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện đại hoá ngành KTTV

Để góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hoá ngành KTTV, GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV yêu cầu,  Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn bao gồm mạng hữu tuyến và mạng vô tuyến đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện thiên tai xảy ra; hoàn thiện hạ tầng trung tâm dữ liệu (Data center - DC) có tính dự phòng cao, có 02 DC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đảm bảo an toàn an ninh mạng và thông tin dữ liệu;

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu phải xây dựng được cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; thực hiện số hóa toàn bộ kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ khí tượng thủy văn dùng chung, trực tuyến từ quan trắc số liệu, xử lý, lưu trữ, chia sẻ, khai thác số liệu đến dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước, người dân, cộng đồng;

Đồng thời, xây dựng cổng dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trực tuyến đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người dân; cho phép thanh toán trực tuyến các nội dung thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.

“Cần tăng cường hợp tác và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), IoT; Xây dựng và đặt hàng các yêu cầu cụ thể về Thông tin và Dữ liệu, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cùng phát triển”, GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số hóa toàn bộ kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO