GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và TS.Hwirin Kim, Trưởng phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước, Đại diện Ban Thư ký của WMO đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có ông Vincente Malano, Quản trị viên Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines; lãnh đạo các dịch vụ thủy điện quốc gia của Campuchia, Lào và Thái Lan; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV.
Sức tàn phá lớn, khó dự báo
Trong nhiều thập niên trở lại đây, thiên tai KTTV đã và đang gây ra nhiều tác động và thiệt hại nặng nề. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, tần suất và mức độ nghiêm trọng của những hiểm họa như vậy ngày càng gia tăng, tiếp tục đe dọa cuộc sống con người, hệ sinh thái và nền kinh tế.
Trong đó, lũ quét được đánh giá là một trong những hiện tượng thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản. Với đặc thù thường xảy ra trên quy mô nhỏ hẹp, xuất hiện trong thời gian ngắn khi có mưa lớn kích hoạt và ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa phương khác như: địa hình, địa chất, hoạt động kinh tế xã hội của con người trên khu vực nhỏ, lũ quét được đánh giá là loại hình thiên tai vô cùng khó khăn trong dự báo trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, lũ quét hàng năm đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 nghìn người và gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất xảy ra với cường độ và tần suất ngày càng cao hơn, khó dự báo hơn. Đông Nam Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất tại khu vực này chưa đầy đủ và phù hợp.
Trong bối cảnh đó, hệ thống thông tin rủi ro và cảnh báo sớm (EWS) ngày càng được coi là chìa khóa để giảm những tác động thiệt hại của thiên tai. Việc xây dựng và triển khai hệ thống dự báo, cảnh báo lũ quét thực sự cần thiết mang lại lợi ích to lớn đảm bảo an sinh cho xã hội.
Năm 2017, Tổ chức Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada và WMO đã xây dựng Dự án “Xây dựng khả năng chống chịu tác động của các hiện tượng KTTV qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và Đông Nam Á” (CREWS) với nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Canada nhằm tăng cường Hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc gia. Dự án được thiết kế dựa trên sự tích hợp các sáng kiến của WMO với trọng tâm là lũ quét, sạt lở đất và thời tiết nguy hiểm gồm: Hệ thống Hướng dẫn Lũ quét và Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm.
Một trong những nội dung chính trong chương trình này là xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong cảnh báo, dự báo lũ quét. Theo TS.Hwirin Kim, Trưởng phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước, Đại diện Ban Thư ký của WMO, tại khu vực Đông Nam Á, lũ quét và sạt lở đất thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng và tài sản của người dân. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực này, cần thiết phải xây dựng được một hệ thống cảnh báo chính xác và kịp thời. Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét hiện đã được xây dựng tại 15 khu vực trên thế giới, trong đó, có khu vực Đông Nam Á với mục đích giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất gây ra.
Cũng trong năm 2017, thông qua cuộc họp lập kế hoạch ban đầu cho Chương trình Hệ thống hướng dẫn lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) do WMO tài trợ đã được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Cam pu chia và Thái Lan, Việt Nam được chấp thuận đại diện là Trung tâm vùng của SEAFFGS và đặt trụ sở tại Tổng cục KTTV Việt Nam. Sự kiện này cho thấy, ngành KTTV đã nhận được sự tin cậy của WMO cũng như của các cơ quan KTTV, các đồng nghiệp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã khẳng định vị thế của ngành KTTV trên phạm vi quốc tế và khu vực. Đây là vinh dự của Tổng cục KTTV Việt Nam khi được đóng góp vào công tác cảnh báo thiên tai cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và cho Châu Á nói chung.
Thực hiện vai trò của Trung tâm vùng của SEAFFGS, Việt Nam sẽ đảm nhận trách nhiệm những trách nhiện quan trọng gồm: Quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục KTTV, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống SEAFFGS để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm Dự báo KTTV tại khu vực Đông Nam Á. Chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên để cung cấp các đánh giá về sản phẩm của hệ thống, hỗ trợ các nước thành viên trong việc khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét sạt lở đất.
Đồng thời là một thành viên tích cực của WMO, Việt Nam sẽ đảm nhận chủ trì các hội thảo liên quan đến SEAFFGS cũng như tham gia các hoạt động thuộc GFFGS theo yêu cầu của WMO. Phối với WMO và Trung tâm Nghiên cứu thủy văn, tổ chức các khóa đào tạo tạo thường xuyên về vận hành sử dụng, kiểm định sản phẩm của hệ thống cho các các dự báo viên tại Trung tâm Dự báo KTTV của các nước thành viên.
Thông qua SEAFFGS, 7 khóa đào tạo tập huấn, 4 cuộc Hội thảo cho đại diện của các nước thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á với sự hỗ trợ từ các chuyên gia WMO và Trung tâm Nghiên cứu thủy văn đã được tổ chức. Hiện nay, SEAFFGS được thiết lập trên 2 máy chủ của và vận hành tại Trung tâm vùng thuộc Tổng cục KTTV Việt Nam từ cuối tháng 3/2022.
Hệ thống cảnh báo hiện đại
Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á sử dụng mô hình công nghệ mới, hiện đại, do WMO chủ trù xây dựng, có sự tham gia của các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và các nước khu vực Đông Nam Á. SEAFFGS là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm: Dữ liệu ước lượng mưa định lượng dựa trên vệ tinh và radar, các trạm thời tiết tự động, 4 sản phẩm Dự báo lượng mưa định lượng, Dữ liệu lịch sử và thời gian thực nhận được từ các quốc gia, các sản phẩm về Rủi ro lũ quét với thời gian cảnh báo lên đến 36 giờ.
Trong hệ thống này, Việt Nam cung cấp và chia sẻ các dữ liệu gồm: 10 ra đa, 1.500 trạm mưa tự động, bản đồ hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm dự báo cực ngắn dự báo định lượng mưa từ ra đa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF với miền tính bao phủ cho 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Ngoài ra, SEAFFGS được phát triển bổ sung mô đun cảnh báo sạt lở đất vào tháng 3/2022.
SEAFFGS được thiết kế và phát triển nhằm mục đích cung cấp một hệ thống công cụ hiện đại, hỗ trợ các cán bộ dự báo KTTV phân tích, giám sát và cảnh báo thiên tai lũ quét thông qua các dữ liệu quan trắc tự động, dữ liệu mô hình theo thời gian thực bao gồm các sản phẩm chính như: Các chỉ số định hướng cảnh báo lũ quét dựa trên ngưỡng dòng chảy tràn, Chỉ số độ ẩm đẩt trung bình, Chỉ số dự báo nguy cơ lũ quét, Chỉ số rủi ro lũ quét và Định hướng cảnh báo sạt lở thông qua ngưỡng độ ẩm, ngưỡng sạt lở.
Hiện nay, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được vị trí cụ thể xảy ra sạt lở, chỉ có thể cảnh báo nguy cơ theo các mức độ khác nhau tại các khu vực. Hệ thống SEAFFGS hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa, sinh lũ quét trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, vùng nguy cơ rủi ro lũ quét trong 12, 24, 36 giờ, ngưỡng sạt lở đất trong phạm vi 24 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.
“Hôm nay, tôi rất tự hào xác nhận rằng cộng đồng Đông Nam Á đã sở hữu một sản phẩm rất toàn diện về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất mà tôi tin rằng sẽ cứu được rất nhiều người và giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động và đo đạc địa hình nhằm hỗ trợ người dự báo có thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Ông Trần Hồng Thái cho biết, với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, Tổng cục KTTV Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để vận hành và duy trì hiệu quả SEAFFGS. Bên cạnh đó, Tổng cục mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên nhằm cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực.
TS.Hwirin Kim, Đại diện Ban Thư ký của WMO cho biết, hôm nay, hệ thống cảnh báo chính thức bắt đầu vận hành. Trong quá trình sử dụng, từ các kinh nghiệm rút ra tại các địa phương, hệ thống cảnh báo sẽ được WMO liên tục cập nhật, hoàn thiện để phát huy hiệu quả cao nhất. Hiện tại, không riêng tại Đông Nam Á và Việt Nam, WMO đang có một chiến lược phát triển hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cho toàn cầu. Do đó, dự án này không phải là điểm kết thúc mà là điểm khởi đầu, các tiện ích của hệ thống còn được tiếp tục cập nhật và nâng cấp trong tương lai.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhiều hoạt động khác cần thực hiện như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lớn, lũ trong khu vực nhỏ thông qua việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới; tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia với WMO, giữa chính quyền và địa phương trong công tác chia sẻ dữ liệu địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng về lũ quét, sạt lở đất, xây dựng các nghiên cứu về phân vùng rủi ro thiên tai khu vực nhỏ… nhằm tăng cường chất lượng cảnh báo cho hệ thống SeAFFGS nói riêng và công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nói chung trong những năm tiếp theo.