“Lỗ hổng” pháp lý
Ngay từ khi xây dựng và ban hành Bộ Luật Hình sự năm 1999, các nhà làm luật ành 10 điều luật trong Phần các tội phạm để quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường tại Chương XVII. Trong đó, ba hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường là: Tội gây ô nhiễm không khí; Tội gây ô nhiễm nguồn nước; Tội gây ô nhiễm đất. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, các quy định bộc lộ một số điểm bất hợp lý như: Quy định về xử lý hình sự đối với chủ thể phạm tội là pháp nhân; dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong cấu thành tội phạm…
Thực tế đó đã đặt ra cho các nhà lập pháp hình sự với hai phương án lựa chọn: Một là, quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm hoặc; Hai là, sửa đổi cấu thành tội phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Khắc phục những hạn chế trên, các quy định liên quan đến tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự năm 2009 đã có nhiều đổi mới. Một sửa đổi quan trọng nhất là việc các nhà lập pháp đã gộp 3 tội danh trên thành tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Hơn nữa, cấu thành tội phạm của tội danh này cũng được sửa đổi. Theo đó, các nhà làm luật đã bỏ đi dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” mà còn vi phạm. Chỉ cần việc xả thải ra môi trường nước, không khí và đất “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì hành vi đã cấu thành tội phạm. Đây được coi là một tiến bộ về mặt lập pháp.
Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh, xử lý tội gây ô nhiễm môi trường, các nhà thi hành luật lại gặp khó khăn khi xác định dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm. Bởi, Luật quy định, dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm gây ô nhiễm môi trường là phải có hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ”. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi kèm theo một trong ba trường hợp sau: Vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng, hoặc; Làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; Gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có văn bản hướng dẫn giải thích về các trường hợp nói trên.
Hơn nữa, khi Bộ Luật Hình sự quy định “Người nào xả thải…” thì chỉ dừng lại ở mức xử phạt người trực tiếp gây ra ô nhiễm. Khi đó, pháp luật sẽ khó xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở gây ô nhiễm. Ngay cả khi cơ quan nhà nước áp dụng quy định về xử lý người đồng phạm đối với người đứng đầu các cơ sở cũng không khả thi. Bởi, các cơ sở gây ô nhiễm sẽ “lách luật” bằng cách thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp để thoát tội…
Nhận xét về quy định tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công An cho biết: Nước ta chưa có một chế tài đủ mạnh đặc trị loại tội phạm này. “Các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Hình sự về tội phạm môi trường đang rất thiếu. Các khái niệm cơ bản như “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” lại chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng”, ông Lý nói.
Xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Cho ý kiến về việc sửa đổi các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự 2009, ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Bộ Luật Hình sự quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân là “lỗ hổng lớn của pháp luật”. Vì vậy, chúng ta cần thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý hành vi vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp như hiện nay.
Đồng quan điểm này, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ cho biết: Cần quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì thực tế nhiều vụ pháp nhân vi phạm không xử lý được, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế. Một chủ trương được cả tập thể quyết định rồi dẫn đến làm sai, nhưng lại chỉ có một cá nhân chịu trách nhiệm là không hợp lý.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật cần có sự sửa đổi và thống nhất giữa các quy định về xử lý tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự và các văn bản pháp quy khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường….
Trước mắt, hệ thống pháp quy cần bổ sung đầy đủ các văn bản hướng dẫn đối với các dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”…
An Bằng