Sắp hết thời “ai cũng có quyền xử phạt báo chí”

15/01/2015 00:00

Tuy nội dung nghị định sửa đổi vấn đề “ai cũng có quyền xử phạt báo chí” vẫn còn nhiều điều bàn cãi, nhưng câu chuyện này, có lẽ sắp có hồi kết...

   
Sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh về việc các quy định về xử phạt hành chính của các bộ ngành đưa ra quy định xử phạt báo chí, trong đó báo Infonet, báo Thanh Niên, báo Pháp Luật TP.HCM, các cơ quan liên quan đã làm việc tích cực soạn thảo nghị định sửa đổi những quy định nghị định khác.
   
   
  Ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1818/VPCP-KGVX  yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu xử lý vấn đề.
   
  Ngày 14/01, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế… lấy ý kiến kiến hoàn thiện dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật”. Sau lần lấy ý kiến này, Bộ Tư pháp sẽ gửi tờ trình lên Chính phủ.
   
  Qua thông tin từ báo chí, hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước với mức phạt khác nhau; pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật của báo chí.
   
  Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật (như hành vi đăng, phát, cung cấp, công bố, đưa tin…) lĩnh vực báo chí (Nghị định số 159/2013/NĐ-CP); lĩnh vực quản lý giá (Nghị định số 109/2013/NĐ-CP); lĩnh vực thống kê (Nghị định số 79/2013/NĐ-CP); lĩnh vực giáo dục (Nghị định số 138/2013/NĐ-CP); lĩnh vực khí tượng thủy văn (Nghị định số 173/2013/NĐ-CP)… đã đươc rà soát.
   
  Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để trao đổi về vấn đề một số báo phản ánh trong thời gian vừa qua. Đa số các Bộ đều thống nhất cho rằng mục đích của việc quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật trong một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là phạt cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, nhưng do mô tả hành vi tại các nghị định chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu phạt đối với cơ quan báo chí và nhà báo.
   
  Để thực hiện việc sửa đổi những bất cập trong các nghị định xử phạt hành chính liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, Theo thông tin từ tờ trình của Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định khác gồm 10 điều có những nội dung chính sau:
   
  Thứ nhất, các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng (do cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện) được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như lĩnh vực thống kê (Nghị định số 79/2013/NĐ-CP); lĩnh vực quản lý giá (Nghị định số 109/2013/NĐ-CP); lĩnh vực dạy nghề (Nghị định số 148/2013/NĐ-CP); lĩnh vực y tế (Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) được rà soát để quy định thống nhất tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí (Nghị định 159/2013/NĐ-CP). Xử phạt các hành vi vi phạm này sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện. Mức phạt đối với các hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
   
  Thứ 2, đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, thì thực hiện sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ hơn hành vi như cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật tại các nghị định cụ thể. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo) và do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Dự thảo tờ trình cũng xin ý kiến Chính phủ, trong quá trình xây dựng Nghị định, đa số các Bộ, ngành đồng ý với nội dung cơ bản của dự thảo.
   
  Tuy nhiên, qua nhiều lần bàn bạc, hiện nay vẫn còn có một vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Chính phủ, cụ thể là việc có cần thiết bổ sung Điều 8a sau Điều 8 trong Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (Điều 7 của dự thảo Nghị định) hay không?
   
  Tại Hội thảo lấy ý kiến, các bộ cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề này, có nên bổ sung Điều 8a vào Nghị định 159/2013/NĐ-CP hay không?
   
  Tham dự Hội thảo lấy ý kiến, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông bảo lưu quan điểm không bổ sung thêm điều 8a vào Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Vì nếu thêm điều này vào sẽ phá vỡ kết cấu tổng thể của quản lý nhà nước về báo chí.
   
  Theo đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, về nội dung của điều 8a, có nhiều nội dung đã được quy định tại điều 8 của Nghị đinh 159/2013/NĐ-CP, như quy định tại khoản 1 khoản 2 điều 8a. Vì quy định tại Nghị định 159 theo mức hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng sẽ được các cơ quan chức năng xác định. Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã góp ý chuẩn hóa khái niệm như thay “đính chính” bằng “cải chính” và một số những sai sót về kỹ thuật văn bản…
   
  Đối với các điều khác của dự thảo Nghị định, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đề nghị bỏ cụm từ “và nhà báo” trong các điều 1,2,3,4,5,6,8,9 trong dự thảo vì việc đăng phát các thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện.
   
  Đến cuối buổi hội thảo, vấn đề có bổ sung điều 8a vào Nghị định 159 lại được tranh luận sôi nổi hơn, tuy nhiên đại diện Bộ Tư pháp kết luận sẽ đưa cả 2 ý kiến vào tơ trình để xin ý kiến của Chính phủ.
   
Theo Infonet
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp hết thời “ai cũng có quyền xử phạt báo chí”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO