Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan, hành động thông minh với khí hậu: Kinh qua thử thách của thiên nhiên

Phương Anh| 21/04/2020 10:03

(TN&MT) - Trong 21 loại hình thiên tai gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần, Việt Nam đã nếm trải 20 loại hình, trừ sóng thần.

Nhìn nhận những yếu - kém

Hơn 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra hơn 300 trận lũ quét, sạt lở đất. Đó là chưa kể hiện nay, tại khu vực miền Trung đang xảy ra hạn hán, nhiều khu vực hàng tháng qua không có mưa, nắng nóng thường xuyên ở mức 40 - 41 độ. Nhiều ao hồ, kênh rạch, sông ngòi cạn trơ đáy làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân và hàng trăm ngàn ha cây trồng chết khô. Đang nắng hạn, lại đã lo lũ lớn như thông lệ nhiều năm.

Ngoài các nguyên nhân do tự nhiên, nhiều nguyên nhân gây nên những hậu quả thiên tai thảm khốc là do ý thức chủ quan chúng ta gây nên như nếp sống ngay trên bờ sông, rạch của nhiều vùng nông thôn Nam Bộ, tại nhiều vùng khu vực miền núi phía Bắc hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân sống dựa vào sông, suối hoặc trên sườn đồi, vách núi... do vậy khi thiên tai ập đến gây nên hậu quả khôn lường. Theo thống kê, hằng năm, trên địa bàn cả nước, thiên tai gây tổn thất từ 1 đến 1,5% GDP, chưa kể đến tổn thất về sức khỏe, tính mạng và tinh thần đối với người dân.

Trước xu thế biến đổi khí hậu đến sớm và thiên tai thảm họa ngày càng khốc liệt, điều quan trọng nhất hiện nay đặt ra là phòng tránh và ứng phó như thế nào? Đơn cử với các hình thái thiên tai như mưa - bão - lũ, nắng nóng - hạn hán, rét hại - băng giá… sẽ khó né tránh nhưng nếu chủ động ứng phó, chắc chắn sẽ giảm đáng kể những thiệt hại có thể xảy ra. Tuy vậy, nói về thiên tai thảm họa, nhiều người vẫn cảm nhận khá mơ hồ hoặc chỉ thực sự lo sợ khi nó đang hiển hiện ngay trước mặt, trực tiếp đe dọa tính mạng.

Sự thật là ở nhiều nơi hiện nay, chính quyền chưa soạn được những “kịch bản” ứng phó đối với từng loại hình mưa bão, lũ ống lũ quét, hạn hán để người dân áp dụng. Vì thế mà khi thiên tai xảy ra, chúng ta thường rất lúng túng. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát thực tế để có phương án ứng phó phù hợp; chưa kịp thời điều chỉnh, cập nhật các tình huống thiên tai cực đoan; nhất là phương châm “4 tại chỗ” vẫn mang tính hình thức.

Có rất nhiều thứ phải làm nhưng ba thứ quan trọng nhất khi bàn giải pháp ứng phó thiên tai thảm họa được đem ra bàn thảo ở không ít hội nghị, hội thảo… là hoàn thiện về hạ tầng phòng chống thiên tai, xây dựng kịch bản ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo. Thế nhưng, cần nhìn nhận thẳng thắn là lịch sử phòng chống thiên tai ở nước ta đã có cả ngàn năm qua nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng vẫn chỉ dừng lại ở việc nâng cấp các con đê sông, đê biển xây dựng từ nhiều trăm năm trước.

Các đô thị vẫn ngập lụt nặng khi mưa, thủy điện làm tăng thêm lũ hoặc hạn hán nặng cho hạ du. Chúng ta đã có nhiều đề tài, dự án đầu tư nghiên cứu nhằm tìm các giải pháp bảo vệ, cả giải pháp công trình và phi công trình. Tuy vậy, sự manh mún vẫn còn đó và thể hiện rõ tư duy nhà nghèo “nóng đâu xoa đấy”, vá chỗ này vỡ chỗ kia gây tốn kém ngân sách, không đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Và trong chừng mực ngân sách tài chính của quốc gia còn khó khăn như hiện nay, việc bố trí đầu tư cho hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu có thể chưa đạt được những mục tiêu mong muốn. Nhưng xây dựng các kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra và chủ động dự báo sớm, chi tiết đến từng khu vực là những yêu cầu không thể chậm trễ để người dân có thể chủ động phòng tránh và giảm thiểu những thiệt hại không mong muốn về kinh tế - xã hội.

Với tác động của BĐKH, Lai Châu thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai.  Ảnh: MH

Chủ động kịch bản ứng phó

Năm 2020, bão lũ được dự báo hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm nhưng không vì thế mà sinh tâm lý chủ quan trong phòng bị và ứng phó.

Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020, còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ rất lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài.

Chính vì thế “Các địa phương cần chủ động lên phương án, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai năm 2020” là một trong những nội dung yêu cầu quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tại Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 vừa được ban hành.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc...; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp…

Cùng với đó, ưu tiên củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, phân tích diễn biến, tác động của thiên tai đến đời sống kinh tế xã hội tại địa phương; rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… nhất là đối với nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ khi xảy ra thiên thiên tai...

 

Tổng cục Thống kê cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn ha lúa và gần 7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I, ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan, hành động thông minh với khí hậu: Kinh qua thử thách của thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO