Sáng 30/7, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN&PTNT và 21 điểm cầu ở các địa phương trên cả nước.
230 vị trí trọng điểm xung yếu
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước xảy ra 202 trận dông, lốc, mưa lớn, 1 cơn bão trên biển Đông, 9 trận lũ quét, sạt lở đất, 24 trận động đất… hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thiên tai đã làm 53 người chết, 137 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ ngày 20-21/7, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa lên tới 350mm trong 10 giờ, gây lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; thiệt hại ước tính khoảng 495 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị |
Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành, hệ thống đê điều của chúng ta cũng còn nhiều khu vực xung yếu, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn gần 400km đê thiếu cao trình; 683 đê mặt cắt nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 kè sạt lở, hư hỏng; 230 vị trí trọng điểm xung yếu.
Mặc dù, năm 2019 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra 40 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao tại xã Bản Nguyên, Lâm Thao (Phú Thọ); sạt lở kè Bầu, đê tả Thương (Bắc Giang); nứt đê tả Đáy (Hà Nam); sụt lún đê biển tại ĐBSCL…
Đánh giá lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng trong triển khai xử lý sự cố đê điều ngay từ đầu giờ, ông Thành cho rằng, ở nơi nào các lực lượng làm công tác đê điều có kinh nghiệm, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ đầu những hư hỏng của đê điều, chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” thì sẽ hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra.
“Công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng và cần thiết”, ông Thành nói.
Chuẩn bị tốt nhất phương án ứng phó hộ đê
Nhận định của các chuyên gia và dự báo theo số liệu thống kê cho thấy, theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mưa, lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ lớn, gây mất an toàn hệ thống đê điều.
Do vậy, ông Trần Công Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục PCTT) khẳng định, cần sẵn sàng phương án ứng phó hộ đê, phòng chống thiên tai lụt, bão.
Cũng theo ông Tuyên, để tu bổ nâng cấp các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, năm 2019 đã bố trí 30,2 tỷ đồng, thực hiện tu bổ, gia cố được 8,7km đê.
Còn năm 2020, với kinh phí 150 tỷ đồng, hiện đang hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công xử lý 7 cống; 0,8km kè; tu bổ 17,6km đê xung yếu. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra để thực hiện xử lý cấp bách một số sự cố đê điều theo thực tế phát sinh.
Bên cạnh đó, ông Tuyên nhấn mạnh tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế; đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.
“Từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2020 đã xảy ra 126 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Hiện vẫn còn 71 vụ tồn động”, ông Tuyên thông tin.
Để đảm bảo an toàn đê điều, lũ, bão trong năm 2020, ông Tuyên nhấn mạnh các vấn đề cần quan tâm như: Tiếp tục kiểm tra, rà soát trọng điểm xung yếu đê điều; rà soát phương án bảo vệ trọng điểm và triển khai trên thực tế; Chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dữ trữ phòng chống lụt bão, có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân; Kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện..., tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia hộ đê;
Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phát quang mái đê phục vụ tuần tra canh gác, xử lý sự cố giờ đầu; Phối hợp với chính quyền địa phương Tổ chức tuần tra canh gác theo cấp báo động; Phát hiện, xử lý kịp thời giờ đầu các sự cố đê điều; Đẩy nhanh tiến độ duy tu, tu bổ, xử lý cấp bách sự cố đê điều.
“Kiểm tra, rà soát đôn đốc chủ đầu tư công trình đang thi công liên quan đến đê điều đẩy nhanh tiến độ và phải có phương án đảm bảo an toàn cho công trình khi có lũ, bão”, ông Tuyên yêu cầu.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, năm 2020, có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019.
Trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên, đỉnh lũ năm 2020 cũng có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Đồng bằng sông Cửu Long: Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2, và có thể xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.