(TN&MT) - Mặc dù việc xác định hạn mức (diện tích) đất ở đã được quy định trong nhiều văn bản của các cấp, ngành từ Trung ương đến tỉnh. Thế nhưng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) huyện Yên Thành (Nghệ An), mà đứng đầu là ông giám đốc Hoàng Văn Trọng, vẫn xác định sai diện tích đất ở cho nhiều hộ gia đình, gây bức xúc trong dư luận…
Theo đơn phản ánh của một số hộ dân trú tại Khối 2, Thị trấn Yên Thành, về việc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) huyện Yên Thành đã có những sai phạm trong việc xác định diện tích đất ở trong Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và thu lệ phí thẩm định. Quá trình tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, việc xác định hạn mức đất ở trong Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh Nghệ An quy định rõ trong Điều 4, Quyết định số 146/2007/QĐ-UBND, ngày 19/12/2007 và Điều 8, Quyết định số 46/2013 QĐ-UBND, ngày 21/8/2013 và một số văn bản khác.
Đơn tố cáo của công dân đối với ông Hoàng Văn Trọng
Theo đó, “Trường hợp UBND cấp xã xác định được diện tích hoặc ranh giới của thửa đất sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980, hiện nay không tranh chấp thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích của thửa đất sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980, phần diện tích còn lại (nếu có), sử dụng sau ngày 18/12/1980, được xác định theo nhóm đất nông nghiệp”.
Văn bản của UBND tỉnh đã quy định rõ ràng như vậy. Thế nhưng, không hiểu vô tình hay cố ý, khi cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ dân ở thị trấn Yên Thành, ông Hoàng Văn Trọng – Giám đốc VPĐKQSDĐ, không căn cứ vào mốc thời gian xác định đất ở theo quy định mà chỉ lấy một hạn mức đất ở chung là 200m2 (hạn mức đất ở vùng thị trấn - áp dụng Điều 14, Quyết định số 146/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh), diện tích đất còn lại xếp vào nhóm đất nông nghiệp. Điển hình, trường hợp gia đình ông Nguyễn Viết Thảo, trú tại xóm 2 thị trấn Yên Thành. Đất ông Thảo đang sử dụng thuộc thửa đất số 375, tờ bản đồ số 2 (bản đồ 299) đo đạc năm 1992, nay là thửa số 58, tờ bản đồ số 05. Nguồn gốc là đất thổ cư có trước năm 1945, diện tích là 720 m2. UBND thị trấn xác định là đất ở lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Theo quy định của UBND tỉnh thì gia đình ông Nguyễn Viết Thảo sẽ được xác định toàn bộ diện tích đất nói trên là đất ở. Thế nhưng, khi cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hoàng Văn Trọng chỉ phê duyệt cho gia đình ông Thảo 200m2 đất ở và 520m2 đất trồng cây lâu năm... Ngoài ra, một số trường hợp tương tự khác cũng bị VPĐKQSDĐ xác định sai diện tích đất ở, gồm các gia đình như: Ông Phan Doãn Nghĩa, ông Phan Hoãn, ông Phan Doãn Sức, ông Phan Văn Trung, ông Nguyễn Hữu Thông… cùng trú tại xóm 2 thị trấn Yên Thành. Đến nay, một số hộ gia đình trên vẫn chưa được chỉnh lý diện tích đất ở theo quy định.
Theo Điều 7, QĐ số146/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, “Quy định phần diện tích còn lại sau khi đã trừ diện tích đất ở”: Khoản 1: Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở (theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Bản quy định này) thì mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng được xác định theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp. Khoản 2: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mở rộng diện tích đất ở trên phần diện tích đất quy định tại khoản 1 của Điều này thì phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành. Do đó, sau khi xác định hạn mức đất ở cho các hộ gia đình ở khối 2 thị trấn Yên Thành một mức sàn chung là 200m2 đất ở, phần diện tích còn lại được xác định theo hiện trạng, thuộc nhóm đất nông nghiệp. Những diện tích đất này khi các gia đình muốn mở rộng diện tích đất ở thì phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. Điều này đã gây bức xúc cho các gia đình, vừa tốn thời gian, công sức làm thủ tục, lại tốn thêm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi, nếu VPĐKQSDĐ chiếu theo các quy định của UBND tỉnh thì họ hoàn toàn được quyền xác định toàn bộ diện tích đất ở ngay từ đầu.
Người dân bất bình trước việc làm khuất tất của ông Trọng.
Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Trọng – Giám đốc VPĐKQSDĐ huyện Yên Thành vẫn khẳng định rằng mình đã làm đúng và không để oan sai cho bất cứ gia đình nào. Khi được hỏi, tại sao VPĐKQSDĐ không xác định hạn mức đất cho các gia đình theo các quy định của UBND tỉnh ngay từ đầu thì ông Trọng trả lời là do các gia đình không yêu cầu?! Và nói, nếu gia đình nào cần xác định hạn mức theo quy định thì làm đơn lên để VPĐKQSDĐ chỉnh lí…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái sự “chỉnh lí” hạn mức đất ở trong Giấy Chứng nhận quyền sử đụng đất của ông Hoàng Văn Trọng cũng lắm sự nhiêu khê. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Thông (SN 1948) có tổng diện tích đất là 1021,6m2, đất ở ổn định từ trước ngày 18/12/1980 (được UBND xã Hoa Thành cấp từ năm 1970). Trong Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (số BE 425519) ông được xác định hạn mức 200m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Sau khi ông phản ánh và có đơn yêu cầu VPĐKQSDĐ xác định lại hạn mức đất ở theo quy định. Đến ngày 22/11/2011, việc chỉnh lí được ông Hoàng Văn Trọng ghi thêm vào trang bên cạnh với nội dung “thửa đất nay được xác định lại hạn mức theo quy định là 1000m2 đất ở và 21,6m2 đất trồng cây lâu năm”. Ông Trọng vẫn chừa lại 21,6m2, chuyển sang nhóm đất nông nghiệp?.
Bài và ảnh: Phạm Tuân