Nước thải đô thị - mối đe dọa lớn nhất
Nước ta hiện đang phải đối mặt với gánh nặng phát triển kép do các vấn đề về chất lượng nước nội tại. Chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại, với dấu hiệu của độc tính phát sinh từ các thành phố, khu công nghiệp và nông nghiệp. Dòng chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng. Nước dưới đất ở nhiều vùng đã bị ô nhiễm, khai thác quá mức đã dẫn đến gia tăng độ mặn và nồng độ các chất ô nhiễm. Trên sông Mê Công và sông Hồng, vấn đề này còn xảy ra cùng với xâm nhập mặn.
Nước thải đô thị là góp phần lớn nhất đối với ô nhiễm nguồn nước, với chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường. Đây là hậu quả của lịch sử lâu dài để lại do không quan tâm xử lý nước tiêu thoát và nước thải của các đô thị.
Chất thải rắn - mối đe dọa đến nguồn nước mặt |
Do sự phổ biến của các hệ thống cống kết hợp (thu gom chung cho cả nước thải và nước mưa), nước thải sinh hoạt chiếm 30% lượng nước thải ra các hồ, kênh và sông. Thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh xả vào môi trường khoảng 700.000–900.000m3 một ngày. Tình trạng này là hệ quả của tỉ lệ kết nối với mạng lưới thoát nước thấp, thiếu đầu tư trên diện rộng vào thu gom và xử lý nước thải, thiếu quan tâm đến tái sử dụng nước thải, và hệ thống quản lý kém hiệu quả.
Chất thải rắn – mối đe dọa đến nguồn nước mặt
Chất thải rắn phát sinh từ các đô thị là mối đe dọa đến nguồn nước mặt. Chôn lấp chất thải rắn bất hợp pháp, khu vực chôn lấp thiếu vệ sinh nằm gần nguồn nước, và thiếu thu gom chất thải rắn đã dẫn đến tình trạng rác thải gây ô nhiễm nguồn nước. Theo Bộ TN&MT, trong khi Việt Nam có 660 bãi rác đang hoạt động thì chỉ có 203 bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Các bãi rác còn lại không thu gom và xử lý nước rỉ rác (chất lỏng thoát ra từ bãi chôn lấp) gây ô nhiễm cho đất và nước.
Còn theo Bộ Xây dựng, con số tin cậy về tỉ lệ thu gom chất thải rắn đô thị rất khó để theo dõi, nhưng con số này được ước tính là 86% ở khu vực thành thị vào năm 2018 nhưng dưới 20% ở khu vực nông thôn và đô thị nghèo vào năm 2004. Khoảng 70% chất thải rắn được thu gom và chôn lấp.
Báo cáo gần đây chỉ ra rằng, khối lượng chất thải từ Việt Nam cao hơn một cách không cân xứng so với quy mô của đất nước: 60% chất thải nhựa thải ra biển trên thế giới bắt nguồn chỉ từ năm quốc gia, một trong số đó là Việt Nam.
Ngành công nghiệp làm phát sinh một lượng lớn nước thải có khả năng gây ô nhiễm cao, phần lớn từ hóa chất và khó xử lý. Với sự tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, nhu cầu về nước ngày càng gia tăng. Sản xuất công nghiệp gây ra ô nhiễm cao, và độc tính và độ phức tạp của ô nhiễm sẽ gia tăng khi mở rộng phát triển công nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước, vẫn chiếm khoảng 40% GDP, chịu nhiều trách nhiệm, vì nhiều DNNN là một trong những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong cả nước.
Ô nhiễm nước từ nông nghiệp đang gia tăng
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ là 90% và hữu cơ là 10%. Lượng sử dụng trung bình khoảng 195-200 kg NPK/ha, dao động nhiều giữa loại cây trồng, giống, vị trí, loại đất và hình thức bón. Canh tác lúa chiếm 65% tổng lượng phân bón tiêu thụ ở Việt Nam. Hầu hết nông dân trồng lúa sử dụng phân bón cao hơn mức khuyến cáo.
Ô nhiễm nước từ thuốc bảo vệ thực vật đang gia tăng |
Chỉ khoảng 45-50% lượng phân bón được sử dụng hiệu quả, số còn lại bị rửa trôi. Cũng giống phân bón, việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng tăng mạnh trong những thập kỷ qua, do ngành nông nghiệp phát triển. Giai đoạn 1981-1986 Việt Nam nhập khoảng 6.500-9.000 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu, trung bình khoảng 0,3 kg hoạt chất/ha. Giai đoạn 2001-2010, có 33.000-75.000 tấn nhập khẩu/năm, khoảng 2,54 kg hoạt chất/ha, tăng đến 7 lần.
Trong 10 năm (2000-2011), số lượng thuốc trừ sâu đăng ký và sử dụng ở Việt Nam tăng 10 lần. Các loại thuốc trừ sâu hiện tại có độc tính cao, với 31% loại thuốc trừ sâu sử dụng tại Đồng bằng sông Hồng được xếp vào loại độc hại cao theo WHO, 54% xếp loại độc hại trung bình.
Nguyên nhân là do việc xóa bỏ hạn chế nhập khẩu năm 1991 dẫn đến giá của phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu đầu vào khác giảm 50% trong những năm tiếp theo. Kết quả là nông dân chuyển từ phân bón hữu cơ truyền thống sang phân bón nhập khẩu để tăng sản lượng. Vấn đề đáng lo nhất là nông dân có xu hướng sử dụng các thuốc trừ sâu không đăng ký bản quyền, rẻ và cũ, được sản xuất và pha chế tại chỗ. Các thuốc trừ sâu này thường độc hại và khó phân hủy hơn các loại khác.
Chất lượng thấp và không ổn định của nhiều loại phân bón và thuốc trừ sâu khiến nông dân tăng liều dùng để có tác dụng. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy 54% phân bón NPK tại thị trường là loại chất lượng thấp.
Ngoài các nguy cơ về môi trường, dư lượng thuốc trừ sâu cao trong sản phẩm nông nghiệp còn phổ biến, tạo nguy cơ với sức khỏe. Theo Cục Bảo vệ thực vật/Bộ NNPTNT, dư lượng thuốc trừ sâu ở cây trồng khoảng 10-26% cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở Hà Nội và 10-30% ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động và phát triển liên quan đến nguồn nước đang gây hại cho nền kinh tế và môi trường Việt Nam. Các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học đang bị đe dọa từ các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước, trong khi những thay đổi do phá rừng và sử dụng đất ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn của nước. Môi trường của Việt Nam được báo cáo là đã tới ngưỡng chịu đựng. Chiến lược Tăng trưởng xanh của Chính phủ tập trung vào việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bền vững hơn, thích ứng với khí hậu, chính sách các bon thấp và quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, các quy định môi trường chưa được tuân thủ nghiêm, đặc biệt là ở một số địa phương.
Khung pháp lý cho kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên nước
Xả nước thải được quy định bởi Luật Tài nguyên Nước năm 2012; Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải 2014 và Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu (2015). Các Nghị định quy định rằng nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho các đơn vị chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường. Hơn nữa, các khu công nghiệp có nghĩa vụ phải có hệ thống xử lý nước thải để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình vận hành. Thông tư 35/2015/TT-BTNMT, các cơ sở kinh doanh dịch vục phải đấu nối với cơ sở xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp.