Khó tránh nghĩa là vẫn tránh được và hoàn toàn tránh được nếu mỗi người biết dọn dẹp “rác” trong ý thức của mình.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng như phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được quy định không bán các loại đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, khi có đông người đến vui chơi, thì cũng rất nhiều bọc, hộp, vỏ chai, bao bì… gói thức ăn nước uống được mang đến. Thùng rác để sẵn đó nhưng khi “rác” trong ý thức của con người - ở đây là rất nhiều người - không được dọn dẹp, thì cho dù có quy định thế nào, kiểm soát ra sao, có đặt hàng trăm hàng ngàn thùng rác đi nữa, thì rác thải vẫn xả bừa bãi.
Ở Việt Nam hay những nước phát triển, chính quyền đô thị còn sử dụng nhiều thùng rác đặt trên phố. Đây là việc cần thiết nhưng trong không ít trường hợp nó cũng gây mất mĩ quan phố xá. Ở những quốc gia Châu Âu và Mỹ, thùng rác được đặt một cách giới hạn trên phố. Rác phát sinh trong quá trình tiêu dùng thì mỗi cá nhân phải giữ trong túi trong giỏ của mình, để đến nơi có thùng rác thì mới lôi ra bỏ vào, và phải phân loại đàng hoàng; còn không thì phải mang về nhà.
Còn ở nước ta, rất rất nhiều người, thùng rác chình ình trước mặt nhưng vẫn… thích vứt xả xuống đường. Rác, nước thải xả bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, sẽ quay vòng tuần hoàn gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của mỗi người, thành ra tự mình hại mình vậy.
Cứ như một mặc định: Dịp lễ lạc đông vui – rác và bẩn; những điểm thắng cảnh đẹp – rác và nước thải hôi thối… Nhưng mầm mống của việc xả thải gây ô nhiễm không gian đô thị không phải bắt đầu từ rác vật chất và xuất phát từ “rác ý thức”. Mà đêm Noel vừa rồi, chính là điểm rơi đỉnh điểm của loại rác này.