Quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Hoàng Ngân - Vy Huyền| 12/11/2020 09:43

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21, Nhóm công tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường biển và đới bờ lần (AWMCME) diễn ra trong hai ngày 10 - 11/11 tại Hà Nội, các nước thành viên đã cùng xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động của khu vực về chống rác thải nhựa đại dương, đồng thời, coi đây là một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới.

Thách thức không của riêng ai

Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương là vấn đề xuyên biên giới. Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), ước tính 80% nhựa trong các đại dương có nguồn gốc từ các nguồn phát thải trên đất liền. Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển, thậm chí còn đi ngược lại vào chuỗi thức ăn của con người.

Trên bản đồ đánh dấu những nơi có lượng phát thải nhựa ra đại dương lớn, một số nước ASEAN thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Khu vực này vốn nổi tiếng với những đường bờ biển dài nên nguy cơ phát thải nhựa vào đại dương rất cao. Báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Đại dương và Trung tâm McKinsey về Doanh nghiệp và Môi trường nhận định, các quốc gia đang phát triển đang bùng nổ nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng xử lý để đối phó với sự gia tăng của các loại túi nhựa. Bên cạnh lượng rác nhựa phát sinh từ tiêu dùng trong nước, mối lo lớn của các nước ASEAN đến từ nguồn phế liệu nhựa nhập khẩu phục vụ ngành tái chế.

Để ngăn chặn tình trạng này, trong 2 năm gần đây, một số nước ASEAN bắt đầu vận chuyển các thùng chứa rác được dán nhãn sai hoặc nhập lậu quay trở lại các quốc gia đã mang rác thải đến cho họ, đồng thời, xây dựng lộ trình tiến tới chấm dứt nhập khẩu phế liệu nhựa không đảm bảo môi trường.

Song, động thái kiên quyết từ mỗi quốc gia đơn lẻ chưa đủ, mà cần thiết phải thúc đẩy một kế hoạch hành động khu vực để giải quyết thách thức chung. Tháng 6/2019, các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Khung hành động ASEAN về rác thải biển. 4 lĩnh vực ưu tiên trong khung hành động gồm: Hỗ trợ và hoạch định chính sách; Nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; Nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng; Sự tham gia của khu vực tư nhân. Các nước ASEAN đã nhận thức được việc bảo vệ môi trường biển là một thành tố không tách rời trong chiến lược bảo vệ môi trường của khu vực và dự kiến sẽ thành lập một trung tâm về rác thải biển ASEAN.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên của Việt Nam và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN để triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Bangkok. Trong đó, chú trọng đến tổng hợp, chia sẻ các mô hình quản lý, sáng kiến công nghệ và các giải pháp tiên tiến của các quốc gia trên cơ sở huy động nguồn lực tài chính bền vững để thực thi một cách hiệu quả thông qua các diễn đàn chung và các công cụ truyền thông khác.

Hội nghị lần thứ 21 nhóm công tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường biển và đới bờ lần (AWMCME) diễn ra trong hai ngày 10 - 11/11 tại Hà Nội

Hợp tác để cùng hành động

Giảm ô nhiễm biển và đới bờ là một trong 7 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động của Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ, được đại diện các quốc gia thành viên và đối tác thảo luận tại Hội nghị AWMCME 21. Những sáng kiến nổi bật là Trung tâm kiến thức khu vực về rác thải nhựa biển thuộc ASEAN +3 do Nhật Bản đề xuất; Dự thảo Kế hoạch hành động khu vực về chống các mảnh vụn nhựa biển giai đoạn 2020 - 2025 của In-đô-nê-xi-a; Trung tâm năng lực khu vực về làm sạch biển…

Hội nghị cũng nhấn mạnh việc mở rộng quan hệ đối tác trong giải quyết ô nhiễm nhựa biển, trong đó có Dự án ASEAN - Liên minh châu Âu về kinh tế tuần hoàn; Dự án “Mở rộng quy mô đổi mới để giải quyết ô nhiễm nhựa biển ở các thành phố ASEAN” do một Ủy ban thuộc Liên Hợp Quốc đề xuất. Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Cơ quan điều phối về biển Đông Á (COBSEA) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã chia sẻ sẽ hợp tác cùng ASEAN trong giải quyết các thách thức về môi trường biển.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định quan điểm: Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa biển. Qua đây, các thành viên ASEAN sẽ cùng thống nhất về các tiêu chuẩn chung, khái niệm và số liệu, cũng như cùng nhau xây dựng nền tảng khu vực để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ tiên tiến trong việc giám sát và giảm thiểu rác thải nhựa.

Trong nỗ lực chống rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa biển đến năm 2030 đặt mục tiêu sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương, đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động ưu tiên đưa ra các chính sách mới đối với nhựa dùng một lần; tăng cường giám sát, quản lý rác thải sinh hoạt và tăng cường nhận thức cộng đồng để thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa.

Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Kế hoạch đề ra thời hạn cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ phải hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa. Theo đó, năm 2020 - 2021 sẽ xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải nhựa.

Năm 2021 sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, Quy chế văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ TN&MT thực hiện cắt giảm, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần và túi ni lông khó phân hủy đặc biệt tại cuộc họp, hội nghị...

Năm 2022 - 2023 sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách và quy định pháp luật hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần.

Dự kiến đến cuối năm nay, Bộ TN&MT sẽ hoàn thành Báo cáo hiện trạng môi trường biển nhằm đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng môi trường biển nước ta và tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề này.

Hội nghị lần thứ 21 nhóm công tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường biển và đới bờ lần (AWMCME) diễn ra trong hai ngày 10 - 11/11 tại Hà Nội

Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT):

“Cần tạo nhiều sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy”

 

Việc đẩy mạnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa được coi là một trong những giải pháp quan trọng tại Việt Nam. Trọng tâm hợp tác với khối tư nhân trong quản lý rác thải nhựa xoay quanh ba nội dung: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; Hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa, tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế; Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Tại Việt Nam đã hình thành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với 13 thành viên. Các doanh nghiệp dù cạnh tranh nhưng tự nguyện hợp tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Khó khăn, thách thức hiện nay là rác thải nhựa chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho việc thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế. Thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa khó phân hủy; hỗ trợ giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch vùng Đông Á và Thái Bình Dương, WB:

“Biến rác thải thành tài nguyên sẽ là lối ra cho bài toán ô nhiễm rác thải nhựa”

 

Một nền kinh tế tuần hoàn với định hướng biến rác thải thành tài nguyên sẽ là lối ra cho bài toán ô nhiễm rác thải nhựa. WB đã làm việc với nhiều quốc gia để chia sẻ kiến thức, hỗ trợ tài chính, tư vấn chính sách về vấn đề này, đồng thời, tìm kiếm các nguồn rò rỉ rác thải nhựa và đưa ra giải pháp ngăn chặn. Việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn cũng sẽ góp phần đánh giá chuỗi giá trị của nhựa để phát triển thị trường tái chế.

Các quốc gia cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý với những quy định, chính sách phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là hạn chế sử dụng nhựa và khuyến khích tái sử dụng, tái chế. Cần có sự phối hợp của cả Nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân, tạo nền tảng để khu vực tư nhân phát huy thế mạnh. WB có thể kết nối quan hệ đối tác các bên, cùng Chính phủ các nước chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

Ông Vegard Kaale, Đại sứ Na Uy tại In-đô-nê-xi-a:

“Kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân”

 

Na Uy là nhà tài trợ đầu tiên của Quỹ tín thác PROBLUE, với mục tiêu khuyến khích các quốc gia cùng hợp lực để giải quyết vấn đề sức khỏe đại dương, bao gồm ô nhiễm biển. Khu vực Đông Nam Á là một trong những ưu tiên của chúng tôi bởi lượng rác thải nhựa tại khu vực này đang tăng nhanh và đang thải ra đại dương một lượng khá lớn. Quỹ PROBLUE sẽ cấp vốn cho các nghiên cứu đánh giá, phân tích nhằm giảm rác thải nhựa đại dương và chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân tham gia chương trình này.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC):

“Cần có chính sách chủ động để thúc đẩy tái chế, tái sử dụng”

 

Kinh nghiệm của IFC khi làm việc với các công ty tư nhân cho thấy, họ luôn mong muốn một môi trường đầu tư ổn định, pháp lý minh bạch, nhất quán. Họ sẽ tạo ra những đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả xử lý rác thải nhựa. Có thể là thay đổi trong thiết kế và sử dụng chất liệu thân thiên môi trường cho bao bì, tăng công suất thu gom rác và làm sạch sông hay đầu tư vào các chất liệu thay thế nhựa.

Các giải pháp có thể triển khai phân kỳ, thí điểm để cho thấy lợi ích rồi sau đó triển khai trên quy mô lớn. Quan trọng là chúng ta cần có chính sách chủ động để thúc đẩy tái chế tái sử dụng, chia sẻ kinh nghiệm và từng bước thúc đẩy đầu tư đồng đều trong toàn chuỗi giá trị.

Ngân Ly (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO