Quyền thừa kế của con chung, con riêng và con nuôi

27/06/2017 00:00

(TN&MT) –  Bố mẹ tôi ly dị từ năm tôi 3 tuổi. Đến khi tôi 5 tuổi mẹ tôi lấy người khác. Từ đó, tôi sống cùng mẹ và bố dượng. Mẹ tôi và bố dượng có 2 người con chung và 1 người con nuôi. Mới đây, khi bố dượng tôi mất, mọi người trong nhà có tranh cãi về việc phân chia thừa kế. Có người bảo tôi là con riêng nên không có quyền hưởng thừa kế. Xin hỏi, người ta nói như vậy có đúng không? Tôi có được hưởng thừa kế không? Nếu muốn hưởng thừa kế thì những người thừa kế phải làm thủ tục gì?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.  Người lập di chúc có quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Chính vì người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế nên khi được chỉ định thì con chung, con riêng hay con nuôi có quyền lợi như nhau theo đúng mong muốn của người lập di chúc.

Sự khác biệt giữa quyền nhận tài sản của con chung, con riêng hay con nuôi chỉ xuất hiện trong trường hợp phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật. Bởi, pháp luật hiện nay chỉ quy định việc con đẻ, con nuôi có quyền thừa kế như nhau (hàng thừa kế thứ nhất). Trong khi, con riêng lại không được quy định vào hàng thừa kế nào. Cụ thể:

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi được hưởng thừa kế, những người nhận thừa kế phải chuận bị hồ sơ để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Hồ sơ gồm: Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu; Giấy chứng tử của người để lại di sản; Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…; Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu; Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân; Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu...

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó...

H. Phúc

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền thừa kế của con chung, con riêng và con nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO