Quy trình, thủ tục trám lấp giếng không sử dụng

12/05/2017 00:00

Hỏi:Gia đình tôi có một cái giếng đào đã từ nhiều năm nay. Do thời gian gần đây nước giếng bẩn và tanh, gia đình tôi quyết định lấp đi. Thay vào đó chúng tôi có dự định đào một giếng mới. Nhưng nghe mọi người nói nếu gia đình tôi làm như vậy là vi phạm pháp luật. Vậy mong Qúy Báo tư vấn giúp quy trình và thủ tục đào giếng mới như thế nào? Xin cảm ơn! (Bạn đọc ở thành phố Lai Châu, tỉnh lai Châu).

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Theo thư ông phản ánh, giếng của gia đình ông hiện bẩn và tanh, nên ông quyết định lấp đi là đúng với quy định của pháp luật về tài nguyên nước (được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 4 và khoản 4 điều 9, Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, trong quá trình lấp giếng gia đình ông phải đảm bảo tuân thủ các quy định sau: 

- Thông báo về thời gian, loại vật liệu sử dụng để trám lấp tới UBND cấp xã, phường. Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi trám lấp giếng. UBND cấp xã, phường có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình cho gia đình ông về nội dung, phương án trám lấp. 

- Trám lấp giếng phải theo quy định tại khoản 3, 4, Điều 10 và Điều 19, Quyết định số 14//2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007, cụ thể: 

+ Vật liệu sử dụng để trám lấp là vật liệu tự nhiên, có tính thấm nước kém hơn hoặc tương đương với tính thấm nước của các lớp đất đá xung quanh giếng đào;
+ Việc thi công trám lấp phải thực hiện theo từng đoạn; vật liệu được đổ từ từ, theo từng lớp và phải đầm, nện bằng dụng cụ thích hợp; ít nhất 1m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng sét tự nhiên hoặc vật liệu khác có tính chất tương đương.
- Thông báo kết quả trám lấp: Sau khi hoàn thành công việc trám lấp, chủ giếng lập biên bản trám lấp giếng (theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định số 14) và gửi tới UBND cấp xã, phường.

2. Gia đình ông có dự định đào một cái giếng mới. 

- Theo quy định tại điểm d, đ, Khoản 1, Điều 7, Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ nước dưới đất, gia đình ông ở thành phố Lai Châu, có giếng cũ bị ô nhiễm. Như vậy, nguồn nước ngầm trong phạm vi khu vực nhà ông thuộc vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất và ông đang có dự định đào một giếng mới tại đó.

- Câu hỏi của ông không nêu rõ quy mô, mục đích khai thác, sử dụng nước nên theo khoản 2, Điều 7, Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; điểm a, khoản 2, Điều 16, nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước. Chúng tôi đưa ra các trường hợp sau để ông lựa chọn:

+ Được phép đào giếng mới có lưu lượng khai thác không quá10m 3/ngày đêm và đảm bảo tổng lượng nước dưới đất khai thác nhỏ hơn trữ lượng có thể khai thác; không làm tăng nguy cơ gây sụt lún, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất trong vùng hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng khai thác nước dưới đất của các công trình khai thác nước dưới đất liền kề hiện có. Phải thông báo tới UBND cấp xã, phường; đăng ký với Phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện, thành phố.

+ Được phép đào giếng mới có lưu lượng khai thác từ 10m3/ngày đêm trở lên. Trước khi đào giếng thì phải được UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất (khai thác từ 10 đến dưới 3.000m3/ngày đêm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp, từ 3.000m3/ngày đêm trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy trình, thủ tục trám lấp giếng không sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO