Quy hoạch vùng ĐBSCL: Phải tính toán vừa ngăn nước biển dâng, vừa trữ nước ngọt

Tuyết Chinh| 15/05/2020 12:24

(TN&MT) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khi thảo luận tại chương trình Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/5.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chúng ta sẽ phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh nguồn nước.

Khẳng định đây là một vấn đề lớn của quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tham gia Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, quan hệ đối tác với Mê Công - Lan Thương; thế nhưng, an ninh nguồn nước của quốc gia cần thiết có báo cáo chuyên đề được Quốc hội, Thường vụ quốc hội và Chính phủ thông qua.

“Trong quy hoạch vùng ĐBSCL nên nghĩ đến việc ngăn được nước biển dâng nhưng đồng thời phải trữ nước ngọt. Trước đây khi xây dựng Luật Quy hoạch đã nghĩ đến việc quy hoạch ĐBSCL nên có những đập ngăn nước, tôi đồng tính với suy nghĩ đó. Tôi cho rằng nên có một chuỗi liên hoàn để làm sao giữ nước ở nhiều vùng, những vùng nào trũng là chúng ta trữ nước và có thể điều tiết được để đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân vùng ĐBSCL”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói và nhấn mạnh, cần trang bị những gì thiết yếu cho đất nước, trong đó đảm bảo nguồn nước thiết yếu cho nhân dân sinh sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, chúng ta xóa đói cách đây 10 năm nhưng bây giờ lại thiếu nước uống. Ảnh: quochoi.vn

Các chuyên gia đánh giá, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hằng năm từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về. Nhờ vào đó, lượng phù sa bồi đắp đã tạo nên một đồng bằng châu thổ phía hạ lưu. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa…

Hơn 10 năm trở lại đây, vấn đề cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ngày càng cao, tác động đối với kinh tế và đời sống xã hội ngày càng lớn hơn, khiến chúng ta phải quan tâm hơn. Lũ dù lớn cũng có thể ứng phó, nhưng cạn kiệt nếu tiến đến giới hạn cực thấp thì nguy cơ là không thể lường trước được. Do vậy, ngày nay, lũ nhỏ, hạn hán và xâm nhập mặn trở thành mối nguy cao nhất, tiềm tàng nhất đối với sự phát triển và phát triển bền vững của ĐBSCL.

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, chúng ta xóa đói cách đây 10 năm nhưng bây giờ lại thiếu nước uống. Dẫn lại ý kiến của các nhà khoa học về thủy lợi, ông Nguyễn Văn cho rằng, an ninh nguồn nước của chúng ta phải kết nối chặt chẽ với CamPuchia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay việc quy hoạch lại vùng ĐBSCL đang được đẩy nhanh tiến độ trên tinh thần tăng cường tích trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vùng ĐBSCL.

Hiện nay, lượng mưa xuống rất thấp, lượng nước từ thượng nguồn về rất ít do Lào làm thủy điện, các nước khác thì nắn dòng. “Bên cạnh tạo hồ trữ nước ngọt, giảm tính xâm nhập mặn, chúng tôi đang tính phương án chuyển nước từ vùng tứ giác Long Xuyên về bán đảo Cà Mau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch vùng ĐBSCL: Phải tính toán vừa ngăn nước biển dâng, vừa trữ nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO