Quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích đất rừng phòng hộ

Phạm Oanh| 15/06/2021 15:49

(TN&MT) - Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2019 đều có quy định liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tuy nhiên, quy định thẩm quyền đối với trường hợp chuyển mục đích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng còn chưa thống nhất, rõ ràng.

Mới đây, cử tri tỉnh Kiên Giang đã gửi kiến nghị đến Bộ TNMT như sau: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 thì đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”.

Nhưng theo Điều 20 Luật Lâm nghiệp có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2019 quy định “Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha”. Như vậy, theo quy định thì việc chuyển mục đích rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì thẩm quyền là “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha”.

Do đó, Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu cho Chính phủ có quy định thống nhất, rõ ràng thẩm quyền đối với trường hợp chuyển mục đích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để các địa phương triển khai thực hiện.

Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Lâm nghiệp là hai ngành Luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, hai ngành Luật này cũng có mối quan hệ về tài sản gắn liền với đất là rừng cây. Do đó để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Bộ TN&MT ghi nhận và xem xét trong quá trình sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai trong thời gian tới.

Bộ TN&MT cũng đề nghị cử tri có ý kiến phản ánh tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để được xem xét sửa đổi pháp luật về lâm nghiệp cho phù hợp đảm bảo tính đồng bộ.

Liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án tại các địa phương, Bộ TN&MT vừa ban hành 3185/BTNMT-TCQLĐĐ đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung như: Báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn. Trong đó có, kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các văn bản của Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích phi nông nghiệp, gồm diện tích đã thực hiện và diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Đồng thời là kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ đã phê duyệt, gồm diện tích đã thực hiện và diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra còn có kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích phi nông nghiệp, gồm diện tích đã thực hiện và diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích đã quá thời hạn 03 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mà chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyên mục đich sư dụng đất để thực hiện dự án.

Và kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích phi nông nghiệp, gồm diện tích đã thực hiện và diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích đã quá thời hạn 03 năm kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; Kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không phải xin phép.….

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích đất rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO