Quốc hội nghe và thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

08/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Báo cáo nêu rõ: Trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều, tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về những vấn đề cụ thể được tiếp thu, giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, dù có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.

Nhưng Chính phủ đề xuất không quy định về vấn đề này tại dự thảo Luật, vì Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nhưng có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, sẽ không quy định nội dung này trong cả Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và Điều 12 về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo).

Vì vậy, theo ông Nguyễn Khắc Định, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, tuy không cần ghi ngay tại Điều 1, nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật là phù hợp. Đây là bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức, nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao…

Quang cảnh phiên họp tại Hội trường sáng 8/11. Ảnh: Quốc Khánh
Quang cảnh phiên họp tại Hội trường sáng 8/11. Ảnh: Quốc Khánh

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật này, đa số Đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan điểm khác nhau về việc có nên quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hay không?

Tại buổi thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 đã có những chuyển biến rất tích cực. Khiếu nại tố cáo đã giảm trên hầu hết các tiêu chí, cả về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%) đến số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%)..

Theo Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), kết quả này là nhờ các ngành, các cấp đã có nhiều chủ trương, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, việc kiểm tra, rà soát các vụ việc phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; trong đó, phải ghi nhận đóng góp tích cực của ngành thanh tra, cơ quan chính trong việc tham mưu, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đi sâu vào phân tích các con số, Đại biểu Dương Minh Tuấn chỉ rõ, Báo cáo của Chính phủ có nêu, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt trên 83,9%. Con số này tuy cao hơn các năm trước, nhưng lại chưa đạt mục tiêu đề ra là 85%. Trong số các vụ việc khiếu nại, Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng thời hạn; bao nhiêu phần trăm được giải quyết bằng hình thức quyết định; bao nhiêu vụ khiếu nại tố cáo được trả lời bằng văn bản, chuyển đơn, thông cáo… Và bao nhiêu vụ đã chấm dứt không còn khiếu nại, tố cáo.

Cũng trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ đơn khiếu nại sai xấp xỉ 75%; tỷ lệ khiếu nại có đúng, có sai là 25% (trong đó, khiếu nại đúng hoàn toàn chỉ khoảng 20%). Tương tự, nội dung tố cáo sai là 72%, tố cáo có đúng có sai là 28% (tố cáo đúng hoàn toàn chỉ chiếm 10,5%). Cũng có nghĩa là, cứ 20 vụ khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền sẽ có 5 vụ vừa đúng, vừa sai; 10 vụ khiếu nại, tố cáo thì chỉ có 1 vụ đúng hoàn toàn?

Có quan điểm khác với đề xuất của Chính phủ, các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)… đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định đối với trường hợp này. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xử lý nhiều cán bộ, công chức từng giữ chức vụ cao có vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức…

Hải Ngọc - Châu Tuấn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe và thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO