Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nêu rõ: Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả
Theo báo cáo, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát;
Thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ…
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tham dự thi quốc tế đạt được nhiều thành tích nổi bật; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được chú trọng và triển khai quyết liệt hơn; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu nổi bật; quốc phòng an ninh được giữ vững.
“Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Làm rõ hơn bức tranh nền kinh tế
Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn một số vấn đề như:
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, diễn biến mức tăng trưởng kinh tế của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Vì vậy, cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định;
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ;
Cần đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp, báo cáo rõ về xu hướng thay đổi quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao;
Giáo dục đạt được nhiều thành tích trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Chương trình giáo dục phổ thông mới chậm được ban hành; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số tỉnh; sách giáo khoa xuất bản độc quyền, gây lãng phí cho xã hội;
Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy được nâng lên nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Việc xây dựng các bệnh viện mới nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên đã được bố trí vốn nhưng chưa giải ngân được gây lãng phí vốn đầu tư công. Việc quản lý và chậm xử lý sai phạm tại các phòng khám tư trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận. Một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn ở mức cao, một số bệnh dịch có vắc-xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại;
Tình hình an ninh trật tự trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng cháy, nổ có dấu hiệu gia tăng. Xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt rất nghiêm trọng với tần suất cao trong một thời gian ngắn. Xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây phức tạp về an ninh, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội;
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến, tuy nhiên khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ diễn biến phức tạp. Đề nghị báo cáo rõ hơn về tình hình bố trí vốn, xử lý các điểm trọng yếu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, kè sông, suối biên giới ở những vị trí xung yếu; kết quả xử lý xả thải tại các khu công nghiệp; xử lý rác thải tại các khu đô thị và việc nhập khẩu phế liệu, rác thải;
Tán thành với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2019
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, báo cáo nêu rõ: Về tổng thể bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo xu thế tích cực là chủ đạo, mặc dù cũng còn tiềm ẩn rủi ro và thách thức. Trong công tác điều hành cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất đồng đô la Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước.
Về mục tiêu tổng quát, thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản nhất trí như báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong khi kết quả của 03 năm 2016-2018 đều xuất siêu. Đối với chỉ tiêu Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% là tương đối phù hợp, tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp để đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020. Một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo (60-62%), tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch (88%) còn có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra vào năm 2020, đề nghị cần đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ sau đây:
Rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác tốt những cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do; Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát;
Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia;
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém đúng theo tiến độ. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Quản lý các hoạt động thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán;
Công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Phát huy vai trò và tính hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao hơn, phát triển mạnh du lịch biển, đảo. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, hoạt động lữ hành có yếu tố nước ngoài;
Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả;
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Nâng cao chất lượng các kỳ thi. Bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ; tránh lãng phí, độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa; Bảo đảm an toàn cháy, nổ, an toàn giao thông. Kiểm tra tổng thể công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng;
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hoá tại khu công nghiệp. Ưu tiên nguồn lực triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm lo đối với người có công, giải quyết việc làm; Tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác phục hồi môi trường biển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa các hồ đập có nguy cơ mất an toàn…