Quảng Trị ra công điện khẩn ứng phó mưa lũ
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về ứng phó khẩn cấp với mưa lũ.
Công điện nêu rõ, theo thông tin của Đài KTTV tỉnh, trong 24 giờ qua khu vực tỉnh Quảng Trị đã có mưa, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to; lượng mưa từ 11h ngày 9/10 đến 11h ngày 10/10/2023 vùng núi và vùng đồng bằng, trung du phía Bắc phổ biến từ 30-35 mm; vùng đồng bằng và trung du phía Nam tỉnh lượng mưa phổ biến 80 - 100 mm.
Dự báo từ ngày 11-13/10 khu vực tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; tổng lượng mưa toàn đợt dự báo 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo từ ngày 14-20/10 mưa lớn tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Thực hiện Văn bản số 35/QGPCTT ngày 9/10/2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; để chủ động ứng phó hiệu quả với tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung công việc sau:
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức lực lượng và hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông.
Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại về người.
Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản, các lồng, bè trên sông và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.
Chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Sau mưa lũ khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường; phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.
Các địa phương, đơn vị chủ động triển khai công tác ứng phó, trong đó tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo điều hành trong đợt mưa lũ từ ngày 10-13/10/2023 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Trị.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai đảm bảo an toàn tuyệt đối về công tác diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh.
Sở Y tế phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai công tác y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với mưa lũ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ PCTT và TKNC tỉnh trong mọi tình huống.
Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về diễn biến thiên tai để chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, vật tư, thiết bị thi công, không để xảy ra thiệt hại về người.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền, các ngành để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để chủ động ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.
Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.
Báo cáo của Van phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Trị cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi, bao gồm: 124 hồ chứa (có 1 hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện với tổng dung tích trữ là 162,99.106 và 123 hồ thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 260.106 m3) và 2 đập; trong 126 đập, hồ chứa có 14 hồ chứa lớn, 1 đập lớn, 22 hồ chứa vừa, 88 hồ chứa nhỏ và 1 đập nhỏ.
Đến thời điểm hiện nay (10/10/2023), tổng dung tích các Hồ chứa thủy lợi trọng điểm đạt trung bình khoảng 37% so với dung tích thiết kế. Mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2023, đến thời điểm hiện nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Đối với các công trình đang thi công, hiện nay, có 10 công trình đê, kè đang triển khai thi công. Tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư đã rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.
Tỉnh cũng còn khoảng 1.500 ha lúa rẫy chưa thu hoạch, trong đó: ĐaKrông: 800ha; huyện Hướng Hóa: 700ha (diện tích chưa thu hoạch của 2 huyện miền núi do đặc thù nên gieo muộn hơn so với lịch thời vụ của tỉnh).
Còn khoảng 5.300 ha sắn và rau màu các loại chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng tỉnh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 2.900 ha và 10.600 m3 lồng, bè chưa thu hoạch. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có các biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.