(TN&MT) - Ngày 20/2 (nhằm ngày mồng 5 Tết Nguyên đán Mậu Tuất), UBND xã Gio Hòa (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tổ chức hội thi chẻ đá mồ côi đầu năm với 8 đội tham dự, trong đó 5 đội đến từ các thôn, 1 đội thuộc công đoàn xã và 2 đội là doanh nghiệp trên địa bàn xã. Hội thi đã thu hút hàng trăm người dân địa phương đến chung vui cổ vũ.
Hội thi chẻ đá được tổ chức tại xã Gio Hòa, huyện Gio Linh, vùng đất nổi tiếng với nghề chẻ đá ở vùng phía Tây của huyện. Thiên nhiên đã tạo cho vùng đất này trữ lượng đá vô tận đến nỗi đâu cũng thấy đá: trong vườn, ngoài ngõ và cả ngoài đồng…
Những khối đá xanh lớn nằm giữa bạt ngàn đất đỏ bazan, giữa những rừng cây cao su rộng lớn là công cụ mưu sinh của người dân trong vùng. Toàn xã Gio Hòa hiện có 440 hộ với trên 2.000 khẩu, trong đó 30% lao động địa phương đều mưu sinh bằng nghề chẻ đá mồ côi.
Nghề chẻ đá ở Gio Hòa mỗi năm làm trong 10 tháng, cho thu nhập khoảng 50-70 triệu đồng. Đá chẻ ở đây xuất bán đi nhiều nơi trong tỉnh và các địa phương lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Một xe tải đá mồ côi giá từ từ 1 – 2 triệu đồng, chẻ được 600-700 viên. Đá loại một có giá bán trên 10.000 đồng/viên, loại 2 giá 7.000 đồng/viên. Những người làm nghề chẻ đá được trả công 300.000 - 400.000 đồng/ ngày. Đặc biệt vào tháng giêng, tháng hai thì sản phẩm đá của xã Gio Hòa thường lâm vào cảnh”cháy hàng” bởi sức mua đầu năm của thương lái là rất lớn…
Thương hiệu các sản phẩm đá mồ côi của xã Gio Hòa đến nay đã được 50 năm tuổi, đây là năm thứ 6 địa phương tổ chức hội thi chẻ đá. Theo thể lệ Ban tổ chức đưa ra, những người tham gia thi tài phải có kinh nghiệm trong nghề chẻ đá.
Thể lệ hội thi đơn giản, từ tảng đá mồ côi to 3-4 người ôm, mỗi đội thi với 2 thành viên cần chẻ thành từng viên vuông thành sắc cạnh với kích thước 10x18x26 cm. Thời gian thi trong một tiếng đồng hồ. Ban đầu, các đội dùng ve đục 3 lỗ nhỏ, gọi 3 nọc trên hòn đá. Sau đó, dùng 3 thanh sắt nhỏ hình tháp nhọn chêm vào 3 lỗ trên, đánh mạnh bằng búa tạ để hòn đá tảng vỡ đôi. Một tảng đá sau khi được chẻ làm đôi, sẽ tiếp tục chẻ 4, chẻ 8 để dần hình thành các viên đá vuông vức theo đúng yêu cầu.
Trước đây nghề chẻ đá ở Gio Linh được làm thủ công với búa, đục, ve, nỏ... Hiện người dân đã sử dụng các loại máy vận hành bằng điện để chẻ đá. Tuy nhiên theo các nghệ nhân chẻ đá địa phương cho biết, việc thực hiện cần phải hết sức khéo léo để tránh bụi đá hoặc các viên đá nhỏ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người mới bước vào nghề.
Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa cho biết: Việc mở hội thi tài chẻ đá nhằm để người dân vui chơi đầu xuân, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và còn rèn luyện tay nghề. Qua đó khởi đầu cho một vụ mùa lao động hăng say đối với người dân địa phương. Các sản phẩm từ đá mồ côi cuảt các nghệ nhân sau hội thi sẽ được dùng vào việc tu bổ, sửa sang các công trình di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã…
Kết thúc thời gian thi tài, ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị thôn Đồng Hòa, với sản phẩm 3/5 viên đá đạt yêu cầu. Đây cũng là đội liên tục đạt giải nhất hội thi chẻ đá mồ côi đầu xuân tại Gio Hòa trong nhiều năm qua.