Ngay từ ngày 8/1, tại các đỉnh núi cao thuộc dãy Cao Ly của huyện Bình Liêu đã bắt đầu xuất hiện nhiều băng tuyết phủ kín các cành cây, ngọn cỏ. Đây là hiện tượng xuất hiện lần đầu trong năm 2021 tại huyện Bình Liêu.
Băng tuyết phủ đầy ngọn cây trên đỉnh dãy núi Cao Ly, huyện Bình Liêu |
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, trong 2 ngày liên tiếp (ngày 8 và 9/1) do không khí lạnh kết hợp mưa làm băng giá xuất hiện trên đỉnh chùa Đồng, núi Yên Tử, tại TP.Uông Bí. Đến 15h ngày 9/1, nhiệt độ đo được trên đỉnh chùa Đồng vẫn ở mức 0°C.
Nhiệt độ xuống thấp xuất hiện băng tuyết phủ trắng chùa Đồng, trên đỉnh núi Yên Tử, tại TP.Uông Bí
|
Theo dự báo thời tiết, đêm nay và sáng mai nhiệt độ vẫn tiếp tục giảm, do đó hiện tượng băng tuyết sẽ còn kéo dài. Các trường tiểu học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cho học sinh nghỉ học ngay từ đầu giờ sáng ngày 8/1.
Người dân xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí phủ bạt che chắn giữ ấm cho đàn trâu. |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, do không khí lạnh mạnh tăng cường, đợt rét hại này tiếp tục kéo dài đến ngày 13/1/2020.
Để chủ động ứng phó với đợt thiên tai này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 27/UBND-NLN3 ngày 6/1/2021 về việc tiếp tục triển khai chống rét trên cây trồng và triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2021.
Cùng với đó, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống rét (đặc biệt chú ý người già, trẻ nhỏ, học sinh). Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương để có biện pháp che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Người dân ở huyện vùng cao lùa trâu xuống vùng thấp tránh rét. |
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú như: Hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, đốt lửa sưởi ấm trong rừng; khuyến cáo và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, ngắm băng tuyết tại các vùng núi cao.
Đồng thời, thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi, thủy sản hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bố trí ngân sách, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để triển khai phòng, chống rét hại. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, vật tư, phương tiện, phương án để xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả. Thực hiện hỗ trợ theo quy định của Nhà nước về cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do rét hại gây ra để sớm ổn định sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình rét đậm, rét hại, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khẩn trương thực hiện.