Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển bền vững tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phạm Hoạch (thực hiện)| 08/06/2021 09:53

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động phát triển kinh tế biển gắn với công tác bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có cuộc trao đổi với ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

PV: Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với rất nhiều lợi thế về biển đảo, những năm qua, tỉnh đã triển khai những giải pháp và đạt được kết quả gì về phát triển kinh tế biển xanh gắn với công tác bảo vệ môi trường?

Ông Cao Tường Huy:

Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đường biên giới trên bộ và trên biển, chiều dài bờ biển trên 250 km, có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...

Những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động phát triển kinh tế biển, gần đây nhất là Chương trình hành động số 27-CTr/TW ngày 27/3/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao Tường Huy

Nhờ có những cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế biển, nhất là trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2020). Trong đó, ngành du lịch và dịch vụ biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ từ 43,1% năm 2015 lên 44,6% năm 2020. Kinh tế hàng hải có sự phát triển, trong đó dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới, với hệ thống cảng biển hiện đại như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng Cửa Ông, cảng Cái Lân, cảng biển Hải Hà... Hình thành, phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển như: KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT Vân Đồn, KKT ven biển Quảng Yên, khu công nghiệp (KCN) cảng biển Hải Hà... Nhờ đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 10,7%, tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 - 2015.

PV: Xác định tầm quan trọng phát triển kinh tế biển xanh, trong đó Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò như thế nào trong việc đưa tỉnh Quảng Ninh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Cao Tường Huy:

Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “kim chỉ nam” cho phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt là mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh gắn liền với việc bảo vệ môi trường biển.

Cụ thể, xác định xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển. Định hướng phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: Du lịch và dịch vụ; Kinh tế hàng hải; công nghiệp ven biển; KCN, KKT và khu đô thị ven biển; Kinh tế thủy sản; Khai thác khoáng sản biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển kiểu mới.

Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Chú trọng bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các loại tài nguyên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật, quy hoạch phát triển các vùng nuôi trồng, nhân giống, bảo tồn nguồn gien các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Bảo vệ và phát triển khu bảo tồn Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô, Khu Ramsar Đồng Rui.

PV: Để duy trì những kết quả đạt được về phát triển kinh tế biển xanh gắn với bảo vệ môi trường, Quảng Ninh sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới?

Ông Cao Tường Huy:

Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong đó xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dựa trên phát huy và khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh biển Quảng Ninh.

Phát triển kinh tế biển bền vững tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng với đó, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển, gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển bền vững tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO