Quảng Ninh: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Quảng Ninh là một trong những tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu (BĐKH) và dễ tổn thương cao đối với nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, đưa công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, cũng như chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân, các ngành, các cấp về ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt tại Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của tỉnh và các nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.
Hàng năm, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đều xây dựng kế hoạch, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH trên địa bàn. Theo đó, đã thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền các hoạt động về môi trường vào các quy định pháp luật, công tác ứng phó với BĐKH, hưởng ứng các ngày lễ môi trường, tháng Hành động vì môi trường, chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng như tham dự Cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai".
Ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong những năm qua, Quảng Ninh đã chủ động thực hiện nhiều nội dung lồng ghép tuyên truyền về mục tiêu ứng phó BĐKH với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịch bản BĐKH, nước biển dâng được cập nhật thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH.
Nhiều giải pháp ứng phó
Để chủ động ứng phó với BĐKH, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện những tồn tại, bất cập, cũng như những áp lực đối với môi trường, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án, đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị, trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai với nhiều phương án đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tế. Điển hình là phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão, xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng và xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Tỉnh cũng đã đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn.
Đồng thời, xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Các địa phương trong tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu, giống, cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH, như: Thử nghiệm trồng một số loại cây ăn quả theo công nghệ Đài Loan (Trung Quốc); trồng rau, hoa trong nhà lưới, công nghệ thủy sinh; chuyển đổi trên 3.000ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm cho giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nguồn nước tưới.
Cùng với đó, chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt. Riêng trong giai đoạn 2013 - 2022, Quảng Ninh đã quyết định đầu tư 20 dự án để củng cố, nâng cấp, xây mới trên 100km đoạn đê biển, đê sông xung yếu. Đồng thời, trồng mới trên 500ha chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn tại 33 xã ven biển để phát huy vai trò "lá chắn tự nhiên", bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng.
Có thể nói các giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Song do quá trình BĐKH diễn ra nhanh, cùng với giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng ngừa thiên tai, vì vậy giải pháp về lâu dài cần tăng cường tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng - ông Nguyễn Như Hạnh nhấn mạnh.