Quảng Ninh: Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai

Phạm Hoạch| 10/06/2021 11:43

(TN&MT) - Với mục tiêu không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai (PCTT) một cách đồng bộ, hiệu quả.

Hàng năm, Sở NN-PTNT Quảng Ninh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các công ty thủy lợi rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu. Đồng thời, duy trì công tác trực ban, thông báo tình hình thời tiết, thiên tai, cũng như kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống và ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuyến đê Hà Nam tại TX.Quảng Yên mới được đầu tư nâng cấp

Trước những diễn biến bất thường về thời tiết có thể gây ảnh hưởng trực tiếp bất cứ lúc nào đối với sự an toàn các công trình đê điều, hồ đập, cũng như tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tại các bãi thải mỏ, gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ; sẵn sàng chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) được các đơn vị, địa phương nghiên cứu, vận dụng vào từng tình huống, điều kiện cụ thể của từng địa phương để triển khai, trong đó lấy công tác chuẩn bị ứng phó làm nòng cốt.

Đập Khe Chè, tại TX.Đông Triều mới được sửa chữa, nâng công suất tích nước đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn

Cùng với đó, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, gồm 5 vùng: Vùng số 1 - đê Hà Nam, TX Quảng Yên; Vùng số 2 - dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; Vùng số 3 - dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; Vùng số 4 - đê tả sông Kinh Thầy, TX Đông Triều; Vùng số 5 - hồ chứa nước Yên Lập. Trên cơ sở này, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão.

Điển hình như TX.Quảng Yên là địa phương quản lý đê Hà Nam là tuyến đê cấp III, với chiều dài nhất tỉnh gần 34km trong đó một số vị trí trọng điểm, xung yếu khi có mưa to, kết hợp triều cường nước biển dâng dễ dẫn tới nguy cơ sạt lở đê.

Thi công Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại xã đảo Vĩnh Trung, TP.Móng Cái

Trao đổi với PV Báo TN&MT, Trưởng Phòng Kinh tế TX.Quảng Yên, Trần Mạnh Thắng cho biết, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” một cách cụ thể và thực chất, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu. Trong đó, chú trọng đến các kịch bản sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Thị xã đã thành lập các đoàn, tổ chức đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão trọng điểm trên địa bàn. Từ đó, thị xã đã yêu cầu các phường, xã và các cơ quan đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa các công trình, nhằm mục tiêu giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.

Còn tại TP.Cẩm Phả là địa phương nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, do có nhiều vị trí  xung yếu tại các khai trường, bãi đổ thải của các đơn vị khai thác than nằm trên địa bàn.

Hàng năm, ngành Than đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng cây thân gỗ chống sạt lở tại các bãi thải trên địa bàn TP.Cẩm Phả

Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, Phạm Văn Kính cho biết, do trên địa bàn tập trung hàng chục đơn vị khai thác than, kèm theo đó là những bãi thải đất đá mỏ lên tới hàng trăm triệu m3. Do vậy, vào mùa mưa, đất đá bị trôi, lấp các dòng chảy gây ngập úng cục bộ làm vỡ các tuyến kè, đê bao ngăn bãi thải có thể tạo ra lũ quét, sạt lở, ngập úng cục bộ một số điểm trên địa bàn thành phố. Thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, địa phương luôn chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, nhằm góp phần làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đến nay, công tác PCTT&TKCN của tỉnh Quảng Ninh đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, vật tư, lực lượng để kịp thời ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, để công tác PCTT thực sự hiệu quả, giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản thì các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị các phương án phòng tránh, trú, trong đó lấy phòng là chính, đảm bảo an toàn về người và tài sản là mục tiêu cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO