Quảng Ngãi: Sử dụng nước hiệu quả, tiếp cận theo hướng tuần hoàn
(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm ở Quảng Ngãi.
Nhằm quản lý nguồn nước an toàn và hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng tuần hoàn, tái sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi.
PV: Xin ông cho biết, BĐKH đang ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm ở tỉnh Quảng Ngãi như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Trung: Tỉnh Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển có địa hình đa dạng và phức tạp với hệ thống sông ngòi dày đặc. Khí hậu thuộc vùng giao thoa giữa khí hậu đại dương và khí hậu lục địa, nằm gần 1 trong 5 ổ bão lớn nhất thế giới, vì vậy, Quảng Ngãi là một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn của sự thay đổi các điều kiện khí hậu.
BĐKH tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước tại Quảng Ngãi, làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm chất lượng nước, suy thoái nguồn nước, gia tăng xâm nhập mặn và nước biển dâng. Xâm nhập mặn kéo dài, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi nhu cầu sử dụng lại tăng khiến cho mực nước ngầm sụt giảm.
Tại huyện đảo Lý Sơn, việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Qua kiểm tra và đánh giá mới nhất từ cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nguồn nước ngầm ở Lý Sơn giảm từ 10 - 12m so với trước, kéo theo là nạn xâm nhập mặn. Suy kiệt nguồn nước ngầm đã làm ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vùng ven biển - nơi có các hoạt động du lịch và nuôi trồng thủy sản.
PV: Trước những tác động của BĐKH, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai chiến lược sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước nhằm phục vụ sinh hoạt, sản xuất như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Trung: Trước tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông cùng với suy kiệt nguồn nước ngầm… đang đặt ra yêu cầu phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước như: phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phê duyệt danh mục vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; thực hiện quan trắc tài nguyên nước dưới đất từ kết quả bàn giao của Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam” và dự án “Khoan giếng phục vụ quan trắc, kiểm soát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn huyện Lý Sơn”. Triển khai lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây là những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước qua các Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới hàng năm; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô lớn và xử lý, chấn chỉnh kịp thời tình trạng khai thác, sử dụng nước lãng phí.
Đến nay, địa phương đã xây dựng, lắp đặt 14 trạm đo mưa tự động, bổ sung vào hệ thống đo mưa phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo mưa, lũ trên các sông lớn: sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng, sông Trà Câu và sông Phước Giang, góp phần dự báo tài nguyên nước mặt trên các sông. Xây dựng quy chế vận hành đơn hồ (thủy lợi, thủy điện), liên hồ theo quy trình được phê duyệt, góp phần hạn chế lũ và giữ nước để sử dụng hiệu quả trong mùa khô trước tình hình diễn biến của BĐKH ngày càng phức tạp.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai hệ thống quan trắc trên địa bàn huyện Lý Sơn và khu vực thành phố Quảng Ngãi, góp phần giám sát việc khai thác sử dụng tài nguyên nước làm cơ sở để bảo vệ tài nguyên nước tốt hơn.
PV: Tuần hoàn, tái sử dụng nước đang được coi là mô hình quản lý tài nguyên nước hiệu quả, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế. Địa phương đã có những kế hoạch, giải pháp tái sử dụng nước, tuần hoàn trong sản xuất như thế nào để sử dụng tiết kệm và hiệu quả trong bối cảnh BĐKH, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Trung: Tuần hoàn tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng là chính sách được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp quan trọng của địa phương nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tái tuần hoàn sử dụng nước thải trong hoạt động sản xuất, trong đó, đã có một số cơ sở thực hiện tái tuần hoàn sử dụng nước thải sản xuất đã qua xử lý đạt quy chuẩn cho phép để sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa sàn công nghiệp,…
Các doanh nghiệp đã từng bước ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng tài nguyên nước tiến tới sử dụng tuần hoàn nước để sử dụng vào các mục đích phù hợp. Điển hình như Công ty CP đường Quảng Ngãi, các cơ sở chăn nuôi, nhà máy thép Hoà Phát…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo kết quả xây dựng sơ đồ tiềm năng nước ngầm bằng ứng dụng GIS để xác định các khu vực có triển vọng tài nguyên nước dưới đất cho tỉnh Quảng Ngãi của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cho thấy, diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất ở mức cao và rất cao chiếm 22,3% (1132,4km2). Diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất thấp và rất thấp chiếm 60,7%. Diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất ở mức trung bình chiếm 17,0%.