Tài nguyên nước

Quảng Ngãi: Nhiều bất cập trong đầu tư công trình nước sạch

Võ Hà 07/09/2023 - 09:48

Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, những năm qua tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hàng trăm công trình nước sạch, mỗi công trình có kinh phí đầu ít nhất là 500 triệu đồng, thậm chí có những công trình hơn 10 tỷ đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do có hơn 90% các công trình cấp nước ở nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí.

Làm nhiều, hoang phế nhiều

Nhiều năm liền, gia đình 3 người của ông Lê Văn Hảo (thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phải chở nước từ nơi khác về nhà dùng. Nước để ăn, uống được gia đình xử lý qua máy lọc, còn nước để tắm, giặt thì sử dụng trực tiếp.

“Hồi trước ở đây có công trình cấp nước, nhưng dùng được vài năm rồi xuống cấp, bỏ hoang. Khu vực này, nguồn nước giếng không đảm bảo nên phải đi kiếm nước ở phía gần núi, đỡ ô nhiễm hơn", ông Hảo nói.

nuocsach1.jpg
Hàng trăm công trình nước sạch ở Quảng Ngãi hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí

Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với công trình cấp nước vì được xây giữa đồng ruộng, sợ nguồn nước bị ô nhiễm từ phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó, công trình bị hư hỏng, xuống cấp dần. Hiện tại, sau thời gian dài bỏ hoang, công trình cấp nước sinh hoạt Trì Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, nằm chơ vơ giữa cánh đồng, xung quanh mọc đầy cỏ dại.

Công trình cấp nước bỏ hoang, hư hỏng không thể hoạt động và hoạt động cấp nước kém hiệu quả đang là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

Ông Hồ Văn Tính ở xã Sơn Trà, huyệnTrà Bồng cho biết, người dân chúng tôi rất mong mỏi có nước sạch để sử dụng sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong mùa nắng, nhưng tôi thấy, công trình nước sạch nhà nước đầu tư chỉ hoạt động trong thời gian ngắn là “hết nước”. Mấy năm nay, người dân chúng tôi phải tự mua ống để dẫn nước từ khe suối về sinh hoạt.

Còn tại huyện miền núi Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn, chỉ có 3 công trình hoạt động bền vững, còn lại 40 công trình không hoạt động, 22 công trình hoạt động kém bền vững và 10 công trình hoạt động tương đối bền vững. Thậm chí, có công trình đã xây dựng xong nhưng bỏ không, chưa thể nghiệm thu, đưa vào sử dụng vì hư hỏng. Cụ thể như, công trình Sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen, xã Ba Vì, được đầu tư với số tiền 500 triệu đồng.

nuocsach2.jpg
Một công trình nước sạch bị bỏ hoang lâu ngày

Theo UBND huyện Ba Tơ, công trình này đã được thi công hoàn thành 100% khối lượng, đảm bảo theo thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150 m của giai đoạn I do ảnh hưởng của mùa mưa lũ năm 2020 đã bị cuốn trôi hư hỏng hoàn toàn, nên không có nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn Y Vang và Mang Đen. Đồng thời, không thể cấp nước đến bể chứa của công trình để vận hành giai đoạn tiếp theo, dẫn đến chưa thể chưa thể nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Cần có giải pháp quản lý bền vững

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong số này, có đến 484 công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động, chiếm tỷ lệ khoảng 94,35% tổng số công trình.

Nguyên nhân của thực trạng này là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.

UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Nhận thức của người dân về nước sạch có nâng cao, nhưng còn hạn chế trong công tác sử dụng và bảo quản công trình. Bão lũ hàng năm làm hư hỏng một số hạng mục công trình và đường ống cấp nước nhưng UBND xã, UBND huyện không có kinh phí để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động.

nuocsach.jpg
Người dân ở nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi hàng ngày vẫn phải sử dụng nước suối, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh

Ngoài bất cập trong khâu quản lý, thì qua tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều địa phương, khi khảo sát ban đầu để xây dựng công trình chưa sát thực tế. Nhiều công trình khi khảo sát là lúc mùa mưa, nước nhiều, nhưng khi mùa khô nước cạn không đủ cung cấp cho người dân. Công trình trong nhiều tháng liền không hoạt động dẫn đến hỏng hóc, lâu dần hoang phế, bỏ hoang.

Để cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng nước theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe của người dân, UBND Quảng Ngãi vừa ban hành kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2024- 2028. Theo đó, địa phương sẽ rà soát, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên có liên quan trong công tác quản lý để các công trình bị hư hỏng, không còn khả năng sửa chữa, nâng cấp. Sở TN&MT theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước, kiểm tra hướng dẫn việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi. Các công trình cấp nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nhiều bất cập trong đầu tư công trình nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO