Người làng An Điềm cho rằng, họ không còn nhớ rõ, cây Kơ nia cổ thụ được trồng chính xác ở mốc thời gian nào. Nhưng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, cây cổ thụ này không dưới 500 tuổi. “Chúng tôi hỏi các cụ cao niên trong làng thì các cụ nói khi các cụ còn nhỏ đã thấy cây như thế này. Làng chúng tôi hình thành cách đây hơn 500 năm, cây này là chứng tích lịch sử của làng”, ông Lộ Bé (70 tuổi), người dân làng An Điềm, cho hay.
Năm 2014, cây Kơ nia (cây cầy) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhân là cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào của người dân làng An Điềm. Bao năm qua, cây cầy hàng trăm năm tuổi của làng đã tạo nên sự đa dạng sinh học, làm đẹp cảnh sắc,góp phần bảo vệ môi trường làng quê.
Gốc cây có tán khá rộng, thân to, khoảng 4 – 5 người ôm mới xuể. Cây nằm trên một gò đất gần mép đường tỉnh lộ Trà Bồng – Châu Ổ, bên phải là cánh đồng lúa bạt ngạt. Cây gắn với đình làng An Điềm, với người dân địa phương, cây cầy không chỉ là nhân chứng sống qua bao thăng trầm lịch sử, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh người dân An Điềm. “Người dân chúng tôi rất tự hào và tôn trọng, cung kính cây cầy cổ thụ này. Nhắc đến xóm cây cầy thì những ai đã từng đi tập kết và qua lại nơi đây thì đều biến đến”, ông Bé tự hào nói.
Theo gia phả của các tộc họ trong xã ghi chép lại, thời kháng chiến chống Pháp, ngọn cây là nơi treo cờ khởi nghĩa, bên gốc cây là nơi tổ chức cách mạng tuyên truyền, cổ vũ sức mạnh, rải truyền đơn, hô hào nhân dân nổi dậy vùng lên đấu tranh làm cách mạng. Sau cách mạng tháng 8, dưới bóng cầy, ban đêm là lớp học bình dân học vụ. Vào năm 1945, một đội viên du kích Ba Tơ đã mở các lớp huấn luyện quân sự, tập đánh kiếm, võ thuật dân tộc cho các dân quân, tự vệ ở các xã của huyện Bình Sơn. Cũng dưới gốc cây cầy, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, bao thế hệ học trò xã Bình Chương đã tập đọc, tập viết những nét chữ đầu tiên.
“Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều lần giặc kéo quân để đánh phá làng, một số du kích có ý định chặt hạ cây cầy này để chặn không cho xe địch lên, nhưng các cụ cao niên trong làng vẫn cương quyết giữ lại cây cầy cổ thụ này”, ông Bé tự hào nói.
Trải qua hơn 2 thế kỷ, cây cầy cổ thụ đã cùng với bà con thôn An Điềm, xã Bình Chương chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử. Chính vì thế, cây cầy được nhân dân trong thôn che chắn, gìn giữ, chăm sóc cho đến tận ngày hôm nay. Bao năm qua, dù không xây dựng thành quy chế, quy ước riêng, nhưng người làng đều không ai bảo ai, luôn tự ý thức bảo vệ cây cầy cổ thụ và xem đây là biểu tượng linh thiêng, trang nghiêm của quê hương. Giữ gìn “báu vật” này không chỉ vì yếu tố tâm linh mà việc bảo vệ cây còn góp phần khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước và bảo vệ các di sản văn hóa của cha ông
“Hằng năm, cứ vào ngày 22 tháng Chạp, người dân lại tề tụ về dưới gốc cây cầy cổ thụ này để dọn dẹp, tổ chức lễ cúng cầu nguyện cho xóm, làng được bình yên”, ông Lộ tự hào, nói.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho biết, cây cầy đã gắn bó với con người nơi đây qua nhiều thế hệ, không biết tự bao giờ mà tình người, tình đất, tình cây đã hòa quyện vào tâm hồn của các thế hệ.
“Đây cũng là động lực cho bà con dân làng trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh nói chung; chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ cây cổ thụ, lâu năm nói riêng. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục các thế hệ mai sau tiếp nối truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ đó cùng chung tay, chung sức giữ gìn văn hoá cha ông và góp phần bảo vệ môi trường cho mai sau”- ông Hải chia sẻ.