Hơn 20 năm nay, xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) nổi tiếng là nơi cung cấp các sản phẩm phục vụ cho việc đánh bắt cá của ngư dân, không chỉ của tỉnh Quảng Ngãi mà còn của các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, sau khi cửa Đại sông Phú Thọ bị bồi lấp, hầu hết các tàu cá, đặc biệt là tàu cá có công suất lớn mã lực trở lên khó có thể ra vào. Vì thế, hiện nay, mặc dù có cửa biển nhưng hầu hết các tàu cá của ngư dân phải vào cửa biển khác để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá của xã Nghĩa Phú vì thế mà hoạt động cầm chừng, không ít lao động địa phương bị mất việc.
Bà Lê Thị Mai- chủ hãng kinh doanh đá lạnh Sáu Mai, thôn Cổ Lũy - Làng Cá cho biết, ảnh hưởng từ cửa Đại bị bồi lấp, thời gian qua doanh số bán hàng của hộ bà sụt giảm thê thảm. Thay vì hàng ngàn cây đá lạnh xuất xưởng mỗi ngày như trước đây, hiện giờ hãng đá của bà chỉ cầm hơi với 1 máy hoạt động “giã gạo”, ngày có ngày không, thỉnh thoảng mới bán được vài chục cây đá lẻ cho các tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ. Máy móc, trang thiết bị hoen rỉ dần.
“Chỉ có các chiếc tàu nhỏ lấy 5- 10 cây đá, còn tàu lớn thì không có. Giờ cửa phải thông suốt thì ngư dân mới đi được, còn không thì họ đi nơi khác hết”- bà Mai buồn rầu chia sẻ.
Tương tự, cửa hàng cung cấp xăng dầu của ông Nguyễn Tấn Toản cũng lâm vào tình trạng thê thảm. Ông Toản cho biết, những năm gần đây, tình hình buôn bán của gia đình ông rất ảm đảm. Những năm trước, khi cửa Đại chưa bồi lấp, việc giao thương, buôn bán của ông nói riêng và các hộ gia đình khác trong thôn diễn ra khá tấp nập, thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 500 triệu đồng trở lên, có hộ đạt hàng tỷ đồng. Nhưng khi cửa Đại bồi lấp, số lượng tàu thuyền ra vào tiếp nhiên liệu ngày càng ít, doanh thu cũng theo đó mà sụt giảm.
Không những hộ kinh doanh cá thể "kêu trời", ngay cả Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Nghĩa Phú cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do lượng sửa chữa, đóng mới tàu thuyền giảm hẳn. Hiện hợp tác xã này cũng đã đề nghị tỉnh giảm tiền thuê đất do không đủ chi phí.
Theo người dân, muốn vực dậy dịch vụ hậu cần nghề cá trở lại thịnh vượng như xưa, giải pháp căn cơ nhất vẫn là xây dựng kè chống sạt lở .Về vấn đề này, ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh tuy quan tâm nhưng vì nguồn vốn quá lớn, do đó chưa thể thực hiện giải pháp căn cơ chống sạt lở, bồi lấp ở khu vực này.
“Hiện tỉnh đang xin kinh phí từ Trung ương. Trong khả năng cho phép, thời gian tới thành phố sẽ cho khảo sát lại và tiến hành nạo vét để giải quyết tạm thời việc tàu thuyền đánh bắt hải sản ra vào”- ông Hoàng cho biết.
Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương được Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá từ nguồn đầu tư theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Với tốc độ phát triển phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản khá nhanh như hiện nay thì các cửa biển bồi lấp, xuống cấp của tỉnh Quảng Ngãi đang trở thành rào cản trong quá trình phát triển kinh tế biển.