Nằm ở vùng thấp trũng, khối phố khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hoà Thuận, TP. Tam Kỳ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Chưa kịp dọn dẹp nhà cửa sau đợt mưa lớn cách đây vài ngày, gia đình ông Nguyễn Kiều Hưng, khối phố Mỹ Thạch Trung lại tiếp tục di chuyển các đồ vật lên cao để tránh lũ.
“Từ sáng nay đã bắt đầu có mưa lớn dần. Cứ mưa lớn là cả khu này ngập vì nằm ở vùng trũng, nước chảy không thoát kịp. Với những đồ điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế gỗ… được kê lên cao, còn xe máy mang đi gửi tại các nhà dân ở vùng cao hơn.”- ông Hưng cho biết.
Hơn hai tuần qua, liên tiếp bão rồi đến mưa to đã làm cuộc sống người dân tỉnh Quảng Nam đảo lộn. Một số xã vùng cao trong tỉnh Quảng Nam vẫn đang bị cô lập do các tuyến đường bị sạt lở. Trong đêm ngày 12/10, mưa lớn gây sạt lở tuyến đường ĐH3, đoạn qua khu dân cư Tông Pua (thôn 3 , xã Trà Cang) khiến giao thông trên địa bàn xã và đường qua thôn 3, xã Trà Linh bị chia cắt, khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Hiện chính quyền địa phương đang huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ cùng người dân mở tạm lối đi bộ bên điểm sạt lở để "phá" thế cô lập cho 450 hộ dân sinh sống trên tuyến đường ĐH3.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng nay (14/10), ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công điện về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Theo công điện, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ nay đến ngày 16/10 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa các địa phương phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 200 - 300 mm, phía Nam của tỉnh phổ biến từ 300 - 450 mm, có nơi trên 600 mm. Dự báo, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3.
Đáng lo ngại, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra mưa lớn, độ ẩm đất đã đạt trạng thái gần bão hòa, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và ngập úng tại vùng trũng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, ban ngành, địa phương đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới.
Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở