Biến đổi khí hậu

Quảng Nam ứng phó BĐKH: Ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm

Lan Anh 15/08/2024 - 19:28

(TN&MT) - Trong chiến lược ứng phó với BĐKH, tỉnh Quảng Nam xác định sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm nhằm tăng sức chống chịu trước diễn biến thời tiết phức tạp. Cùng với đó, những mô hình xây dựng "vành đai xanh" - trồng rừng phòng hộ cũng được địa phương triển khai nhân rộng nhằm hướng đến chiến lược bảo vệ môi trường bền vững.

Tăng sức chống chịu

Quảng Nam là một trong những địa phương chịu nhiều tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Những năm gần đây, tại Quảng Nam, nắng hạn kéo dài đã khiến hạ lưu các con sông, nhất là sông Thu Bồn bị xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng nghiệp trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các địa phương như Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... Tại một số địa phương ven biển tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

7a.jpg
Quảng Nam tập trung ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các công trình trọng điểm thích ứng BĐKH

Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, do tác động của BĐKH nên các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra với nhiều trận mưa lớn gây ngập lụt diện rộng và sạt lở đất tại các huyện miền núi làm thiệt hại nghiêm trọng về người và nhà ở. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi 4 đợt thiên tai cùng 16 đợt dông lốc, sét, mưa lớn cục bộ tập trung trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đại Lộc... làm thiệt hại nặng nề về nhà ở, chăn nuôi, hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, với tổng ước tính thiệt hại gần 4.900 tỷ đồng.

Trước thực tế này, tỉnh Quảng Nam đã tập trung phân bổ nguồn vốn nhiều hơn cho các hạng mục đầu tư ứng phó với BĐKH. Đến nay, địa phương đã triển khai thành công 13 mô hình thí điểm về thích ứng với BĐKH, trong đó có nhiều công trình không chỉ ứng phó hiệu quả với BĐKH mà còn giúp cho người dân phát triển kinh tế - xã hội bền vững như: Công trình Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò; Kè bảo vệ khu Đô thị cổ Hội An...

Mang lại hiệu quả tối ưu nhất là 2 dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Hiện tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục khởi động dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An" được tài trợ từ vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), viện trợ không hoàn lại từ Liên minh châu Âu thông qua Quỹ WARM (Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên) để có thể đảm bảo tương lai phát triển của đường bờ biển Hội An thông qua các giải pháp toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực.

Tỉnh này cũng đang triển khai 3 dự án kè chống sạt lở tại các huyện Đại Lộc, Núi Thành, Duy Xuyên, đồng thời để phục vụ cho việc tưới tiêu diện tích sản xuất nông nghiệp tỉnh đã triển khai các công trình hồ chứa nước như Lộc Đại (Quế Sơn), Suổi Thỏ, Mò Ó (Tiên Phước) và Cha Mai (Phú Ninh).

"Dựng lại" vành đai xanh

Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kiên cố tại các vùng sạt lở, thời gian qua, nhiều công trình xây dựng "vành đai xanh" - trồng rừng phòng hộ được tập trung nhân rộng và đã thu được nhiều kết quả.

7b.jpg
Dự án phục hồi, trồng mới rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) đã tạo ra “vành đai xanh” bảo vệ phố cổ.

Điển hình như dự án khôi phục và quản lý rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2016 - 2020, triển khai tại huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Dự án trồng mới 1.322ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó có 120ha rừng ngập mặn, hơn 1.200ha rừng trên cát. Dự án trồng mới 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại hai huyện Nam Giang và Tây Giang.

Đến nay, toàn bộ diện tích gần 2.000 ha rừng ven biển hiện đã được đưa vào khoán bảo vệ rừng, trong đó tổng diện tích trồng rừng ven biển là hơn 151ha, rừng ngập mặn phòng hộ kết hợp củng cố đê biển có diện tích hơn 55ha. Những "vành đai xanh" này không chỉ giúp phục hồi môi trường biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế xói lở bờ biển mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng ngàn cư dân ven biển.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tích cực vận động các nguồn tài trợ để thực hiện các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn (rừng dừa nước, đước, mắm), rừng chắn cát, chắn sóng biển (phi lao, dừa,..); nạo vét lòng sông, xây và củng cố đê biển, kè biển, cảng, nhà đa năng, nhà cộng đồng tránh bão, đường tránh lũ...

Đồng thời, tiến hành điều tra cơ bản, cập nhật cơ sở dữ liệu, triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh, như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến; bảo tồn loài Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây...

Theo Sở TN&MT Quảng Nam, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã lồng ghép đánh giá sự tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và cũng đã xác định các mục tiêu, giải pháp thích ứng với BĐKH. Tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, địa phương sẽ tập trung thực hiện việc đánh giá BĐKH, kiểm kê khí nhà kính, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH theo quy định (chu kỳ 5 năm).

Công tác truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về BĐKH, các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng sẽ được tăng cường hơn. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh và đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Tiếp tục ưu tiên các giải pháp công trình lẫn phi công trình cùng nhiều mô hình, dự án ứng phó với BĐKH nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam ứng phó BĐKH: Ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO