Quảng Nam: Siết hoạt động khai thác khoáng sản trên sông

16/07/2018 21:47

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai thực hiện công văn số 3219/UBND-KTN áp dụng nhiều biện pháp siết chặt công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn, tiến tới ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Tăng cường giám sát bằng “mắt thần”

Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam có 29 mỏ khoáng sản được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết, trong số này một mỏ, số bến bãi hoạt động trái phép, khai thác quá mức trên các lòng sông đã gây sạt lở, mất đất tại nhiều nơi, gây bức xúc lớn trong nhân dân. UBND tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn là do công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi còn bất cập, chưa thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc khai thác trái phép cát, sỏi cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiều vi phạm, trong đó nóng nhất là các địa phương: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên.
 

Nạn khai thác, tập kết và vận chuyển cát, sỏi trái phép thời gian qua tại Quảng Nam diễn biến hết sức phức tạp
Nạn khai thác, tập kết và vận chuyển cát, sỏi trái phép thời gian qua tại Quảng Nam diễn biến hết sức phức tạp

Để lập lại trật tự trong việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1/7/2018, tỉnh Quảng Nam tiến hành siết chặt các hoạt động quản lý, chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.

Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bài tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường...

Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6 giờ - 18 giờ từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6 giờ - 17 giờ từ tháng 10 đến hết tháng l2 dương lịch...  Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì đình chỉ khai thác.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất lập các chốt kiểm tra, kiểm soát có camera giáp sát 24/24 tại 5 vị trí: ngã ba Đại Hiệp (QL14B- ĐT609B), ngã ba Cẩm Lý (ĐT609- ĐT 605), ngã ba Tứ Câu (QLlA- ĐT603), ngã tư Điện Ngọc (ĐT603- ĐT607) và ngã ba Vòm (Thu Bồn- Vĩnh Điện), giao cho các địa phương quản lý… Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam xác định giảm còn không quá 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn và mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi. Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng, UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương…

Còn nhiều thách thức

Ngay trong tuần đầu tiên áp dụng các quy định mới, UBND huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên địa bàn để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp về quá trình thực hiện.

Tại các cuộc họp này, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều thống nhất với biện pháp quản lý mới của UBND tỉnh đưa ra, đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc chưa thực hiện công văn 3219/UBND-KTN nhưng vẫn tiến hành khai thác nhằm tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
 

Quảng Nam bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera để lưu trữ thông tin
Quảng Nam bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera để lưu trữ thông tin

Theo đại diện công ty TNHH Thành Sơn, Đại Lộc, Quảng Nam, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt camera tại vị trí bến bãi và tàu hút cố định giữa lòng sông nhưng thời gian qua gặp nhiều yếu tố bất lợi như tác động của giông lốc ảnh hưởng đến việc bảo quản, hiệu quả giám sát không cao. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã thay 04 camera bị cháy do giông lốc cùng với đó là hình ảnh dữ liệu cũng bị mất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng các mỏ khai thác của các doanh nghiệp đa phần giữa lòng sông nên việc lắp đặt, đường truyền, nguồn điện… gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh các vấn đề trên, theo nhiều doanh nghiệp, quy định làm đường vận chuyển khoáng sản từ bờ sông đến bến bãi tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường đang thực sự gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi điều này liên quan đến vấn đề giải tỏa đền bù cho người dân. Điều này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.

Theo thiếu tá Mai Thanh Tâm - Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn là điều cần thiết, do vậy dù khó mấy địa phương cũng quyết tâm cùng doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công văn 3219/UBND-KTN của UBND tỉnh. Thời gian tới, lực lượng công an huyện Đại Lộc có kế hoạch thành lập 02 tổ giám sát tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, 01 tổ công khai sử dụng ca nô tuần tra và 01 tổ bí mật thăm dò trước tình hình để tránh tình trạng có thể bị doanh nghiệp lợi dụng, đối phó trong kiểm tra, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Siết hoạt động khai thác khoáng sản trên sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO