Quảng Nam: Ngăn chặn nạn phá rừng sau Tết

07/02/2017 00:00

(TN&MT) - Năm nào cũng vậy, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng phá rừng ở Quảng Nam luôn tìm mọi cách để thu lợi từ rừng, qua mặt các lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và khoáng sản trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, tỉnh Quảng Nam mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét các địa bàn trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Lực lượng chức năng truy quét, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu trong dịp Tết Đinh Dậu
Lực lượng chức năng truy quét, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu trong dịp Tết Đinh Dậu

Phá rừng dịp Tết

Đại tá Lê Quang Vịnh - Trưởng Công an huyện Nam Giang, Quảng Nam cho biết, dịp Tết Đinh Dậu năm nay, đơn vị này đã phát hiện bắt giữ một xe ô tô vận chuyển gỗ trái phép. Theo đó, tại tuyến đường 14D thuộc địa phận xã Chà Vàl, lực lượng Đồn Công an Chà Vàl đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát dịp Tết thì phát hiện xe ô tô khách 16 chỗ BKS 43B-014.08 có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện trên xe chở nhiều phách gỗ. Tài xế Hồ Xuân Huấn (29 tuổi, trú tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ này.

Qua kiểm đếm, trên xe chở 17 phách gỗ dổi, lim và gõ với khối lượng gần 2,4m3. Trước đó, Trạm CSGT số 2 (đóng tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cũng phát hiện xe ô tô 16 chỗ mang biển số xanh 31A-0242 trên xe chở 3 phách gỗ dổi hương không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn). Tài xế Tiến khai nhận đã mua số gỗ trên của một người dân và vận chuyển đi tiêu thụ. Còn chiếc xe biển số xanh được mua thanh lý từ một cơ quan nhà nước. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.

Các địa bàn "nóng" về phá rừng ở tỉnh Quảng Nam trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua chủ yếu là các khu vực giáp ranh giữa xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) với xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My); khu vực biên giới cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang) với huyện Đắc Chưng (Lào). Vùng trọng điểm về mua bán, vận chuyển lâm sản là các khu vực: hồ thủy điện Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4; xã Phước Hiệp, Phước Hòa (Phước Sơn); khu vực xã Zuôi huyện Nam Giang; các tuyến đường 14B, 14E, 14G, 14D, 40B, đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn; các tuyến đường trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Điểm nóng về khai thác khoáng sản trên đất có rừng gồm khu vực xã Đắc Pring (huyện Nam Giang), xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).

Ngành chức năng vào cuộc

Sau khi xác định các địa bàn trọng điểm, trong dịp Tết Đinh Dậu vừa rồi, tỉnh Quảng Nam tổ chức, bố trí lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng và các đơn vị chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, truy quét các điểm nóng tại vùng giáp ranh, các tuyến đường, tụ điểm về vận chuyển, mua bán gỗ và động vật rừng trái phép.

Ban quản lý các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng triển khai tuần tra, kiểm soát trên lâm phận được giao. Để kiểm soát chặt chẽ hơn, Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị trong ngành quản lý chặt chẽ hộ khẩu, thống kê, phân hóa đối tượng để xác định các đầu nậu, đối tượng bảo kê, chủ đường dây mua bán lâm sản trái pháp luật. Tại những khu vực có Bộ đội biên phòng đóng quân, cán bộ, chiến sỹ các Đồn biên phòng tham gia và hỗ trợ công tác bảo vệ rừng…

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Nhằm hạn chế thấp nhất, ngăn chặn các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng dịp Tết cổ truyền để khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, tỉnh Quảng Nam đang triển khai các biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ tài nguyên, lâm sản, khoáng sản trên địa bàn".

Trao đổi với PV, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Để rừng bình yên trong dịp Tết, ngoài lực lượng chức trách làm nhiệm vụ, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Theo phương án của ngành kiểm lâm tỉnh, kịch bản giữ rừng trước, trong và sau Tết Đinh Dậu, là tổ chức truy quét lâm tặc ở các vùng giáp ranh, các khu rừng trọng điểm thường xuyên bị phá. Xử lý nghiêm minh các chủ rừng được Nhà nước giao rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại nếu để xảy ra phá rừng. “Kịch bản đấu tranh với các hành vi phá rừng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay đã có nhiều thay đổi theo hướng bất ngờ và thực tế hơn, do tình trạng các đối tượng dùng xe hết thời hạn lưu thông chở gỗ lậu sẵn sàng bỏ xe hoặc chống lại cán bộ kiểm lâm vào thời điểm cận tết” - ông Tuấn nói.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, năm 2016, ngoại trừ vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng tại khu vực biên giới Việt - Lào qua huyện Nam Giang, hầu hết các “điểm nóng” phá rừng đã được hạ nhiệt. Cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự 38 vụ án liên quan đến phá rừng. Số vụ và khối lượng gỗ tịch thu cũng giảm đi đáng kể so với năm 2015.

Xuân Lam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngăn chặn nạn phá rừng sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO