PV: Thưa ông, thời gian qua Quảng Nam đã có những giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững?
Ông Trần Thanh Hà: Thời gian Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ như: Thẩm định hồ sơ, đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý cấp phép khai thác khoáng sản, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý sản lượng khai thác thực tế và thực hiện các nghĩa vụ liên quan của các đơn vị.
Đặc biệt, trong lựa chọn nhà đầu tư tỉnh Quảng Nam ưu tiên các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có nhà máy trên địa bàn tỉnh. Khuyến kích đầu tư, sử dụng công nghệ tiên tiến, đồng bộ, công nghệ sạch, ít hoặc không tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường; gắn việc khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Điển hình khu vực mỏ cát trắng Hương An với diện tích 157 ha đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động phổ thông, trong đó có 80 lao động là người địa phương thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình tiến hành khai thác (theo hình thức cuốn chiếu) doanh nghiệp hoàn thổ lại đất san lấp và tạo hệ thống dẫn nước, tiêu nước và bàn giao lại đất cho theo vùng, thửa lớn để nhân dân tiếp tục sản xuất.
Tỉnh Quảng Nam thực hiện thu thuế trên cơ sở tài nguyên và giá trị tài nguyên của mỗi mỏ cụ thể để buộc doanh nghiệp tự chủ, tự cân đối thu tối đa nguồn tài nguyên nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương và phát triển bền vững.
Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, địa phương cũng chú ý phân bổ, điều tiết kịp thời các khoản thu từ hoạt động khoáng sản, đảm bảo tỷ lệ theo quy định cho địa phương nơi có khoáng sản để thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn tồn tại những bất cập gì thưa ông?
Ông Trần Thanh Hà: Công nghệ, phương pháp và thiết bị khai thác các mỏ khoáng sản hiện nay còn đơn giản, đa phần sản xuất ở quy mô nhỏ, máy móc thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ, đội ngũ lao động đa số làm việc theo thời vụ, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về khoáng sản, môi trường.
Ngoài ra, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn phân bố rải rác, không tập trung, lộ thiên nên rất dễ xảy ra tình trạng khai thác khai thác trái phép (chủ yếu là là khai thác vàng, cát trắng, cát, sỏi lòng sông,…), các đối tượng khai thác trái phép sử dụng công nghệ thô sơ, tập trung vào lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, khai thác không hợp lý nên không thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát trắng trong diện tích đầu tư các dự án công nghiệp, xây dựng công trình đều thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nên thời gian thực hiện và giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng rất nhanh chóng. Do đó, việc lập hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện nay không đáp ứng kịp tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng gây lãng phí tài nguyên hoặc chậm tiến độ xây dựng.
PV: Để công tác quản lý được tốt hơn, đảm bảo môi trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi nạn khai thác khoáng sản trái phép, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung vào những giải pháp gì?
Ông Trần Thanh Hà: Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép là vấn đề thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai… Do đó, Sở sẽ phối hợp với địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản cũng như việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chúng tôi quy định các doanh nghiệp khai thác phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác, chế biến khoáng sản và các dịch vụ có liên quan. Cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản. Đồng thời, thực hiện bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp phải kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường.
Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tham mưu UBND tỉnh điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương (nơi có khoáng sản được khai thác) phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện có 81 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực phân bố ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 5 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (1 đá ốp lát, 1 cát trắng, 1 than đá, 1 vàng gốc, 1 đá vôi) và 76 Giấy phép do UBND tỉnh cấp (16 cát, 25 đá, 11 đất san lấp, 10 đất sét, 10 vàng gốc, 2 đá thạch anh tảng lăn, 1 than, 1 cát trắng).