Quảng Nam: Dốc sức di dân khỏi vùng nguy hiểm

Lan Anh| 07/12/2020 19:31

(TN&MT) - Trong cơn cuồng nộ, giận dữ của thiên nhiên, đất đá ầm ào trút xuống, người dân chỉ biết tháo chạy. Cuộc sống của người dân vùng sạt lở ở Quảng Nam không còn bình yên khi mà gia đình, nhà cửa, nương rẫy… có thể biến mất đi bất cứ lúc nào. Nỗi ám ảnh núi lở chắc sẽ còn lâu lắm mới có thể phai mờ.

Ám ảnh những ngôi làng bị xoá sổ

Hơn 1 tháng sau trận sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam quật sập 11 ngôi nhà cùng 22 người chết và mất tích, nỗi đau vẫn chưa nguôi. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên vào buổi chiều định mệnh vô tình đẩy bao người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Hàng chục gia đình lâm cảnh tang thương. Cha, mẹ mất con; vợ mất chồng; anh em mất nhau; những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi.

Bần thần nhìn trời đổ mưa, chị Trần Thị Diệu (29 tuổi), người dân ở xã Trà Leng vẫn chưa hết run sợ. Trận mưa trước cũng vậy. Mưa gió gầm rú, rồi đất đá trên núi đổ ập xuống vùi lấp cả ngôi làng. Chị Diệu kể lại, chiều 28/10, khi thấy trời mưa lớn, lo mái nhà liêu xiêu không thể cầm cự trước cuồng phong, sau khi dắt díu 4 đứa con thơ sơ tán sang nhà Bí thư xã ở cùng nóc, chị cùng chồng quay trở lại nhà mình để thu dọn đồ đạc tránh mưa. Nhưng sạt lở kinh hoàng làm sập ngôi nhà Bí thư xã, chị mất cùng lúc 3 đứa con.

Lũ quét, sạt lở đất trở thành ám ảnh của người dân miền núi tỉnh Quảng Nam

“Đang tất tả dọn dẹp, tôi giật mình bởi tiếng la thất thanh của bà con trong nóc, liền sau đó, đất đá từ suối Banh ào ạt trút xuống. Quá hoảng loạn, hai vợ chồng cùng số ít người khác tháo chạy lên rẫy cao rồi tôi bất tỉnh lúc nào không hay. Mãi tới khi trời sáng, đứa con gái 4 tuổi của vợ chồng tôi được mọi người cứu sống và đưa ra ngoài. Còn lại 3 đứa con 11 tuổi, 7 tuổi và 10 tháng tuổi bị vùi lấp", giọng nghèn nghẹn, chị Diệu kể.

Cách nóc ông Đề chừng vài cây số, làng Tắc Pát cũng chịu tang thương khi bị lũ quét cuốn trôi, nhấn chìm 26 ngôi nhà của dân làng Bh’Noong. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cho biết, đợt bão số 9, làng Tắc Pát có 12 ngôi nhà đổ sập khi lũ quét qua. Tiếp đến, bão số 10, mười mấy căn nhà trong làng tiếp tục bị sạt lở, nước lũ cuốn phăng. Rất may thời điểm xảy ra lũ quét, toàn bộ người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn nên không có thương vong về người.

Làng Tắc Pát bị xóa sổ chỉ sau 1 ngày mưa gió. 

Trong khi đó, tại các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang cũng gặp tình trạng tương tự. Lũ quét tràn về, vùi nhiều ngôi làng. Chưa năm nào, tình trạng sạt lở đất lại ám ảnh đối với người dân miền núi tỉnh Quảng Nam đến thế.

Sớm lập làng, làm nhà cho dân vùng sạt lở

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây thì huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn…có hơn 50 điểm có nguy cơ sạt lở cao, cần triển khai các giải pháp di dân. Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương kêu gọi hỗ trợ để lập các làng mới, khu tái định cư cho người dân có nhà bị sập sớm ổn định chỗ ở.  Hiện tại xã Trà Leng không còn quỹ đất và vị trí thuận lợi để làm khu tái định cư, UBND huyện sẽ lập làng mới tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Trà Leng và Trà Dơn, rộng 3 héc ta, qui mô 100 hộ dân.

Nỗi ám ảnh núi lở chắc sẽ còn lâu lắm mới có thể phai mờ với người dẫn xã Trà Leng

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cũng cho biết, việc di dân phải được làm khéo léo. Sau khi tìm được mặt bằng, cán bộ phải đến thuyết phục già làng. Già làng sẽ khuyên người dân. Dân chịu, già làng sẽ dẫn họ đến nơi ở mới. Quan trọng trong việc tìm mặt bằng cho việc di dân là nơi có độ dốc nhỏ, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh thiên tai, gần nguồn nước sinh hoạt, gần khu sản xuất, chăn nuôi…

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, loại đất của vùng núi Quảng Nam là rất dễ thấm, dễ ngấm và dễ rữa. Khi mưa quá lớn, núi sẽ no nước, đất rữa ra và lúc đó hiện tượng sụt trượt sẽ là tất yếu. Chính quyền địa phương đã nhận ra vấn đề cần di dời người dân miền núi, sống ở dưới chân núi từ lâu và đã tập trung di dời đến các ngôi làng tái định cư nhưng vẫn chưa hết.

Quảng Nam lên phương án muộn nhất tới năm 2025, sẽ không còn hộ dân nào sống trong vùng sạt lở, lũ quét.

Nhiều năm trước Tỉnh ủy đã có hẳn một nghị quyết riêng, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực bố trí các dự án di dân tái định cư, đưa dân ra khỏi rừng, khỏi vùng sạt lở, lũ quét. Tới nay tỉnh đã đưa được hơn 1/2 trong tổng số 13.000 hộ trong diện di dời. Điều khó khăn là các huyện miền núi thiếu quỹ đất, địa hình phần lớn có độ dốc. Muộn nhất tới năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ không còn hộ dân nào sống trong vùng sạt lở, lũ quét.  Riêng những hộ dân đang chịu nhiều hậu quả của lở núi, lũ quét thời gian qua, chính quyền địa phương lo ổn định, gầy dựng lại cuộc sống. Làng mới sẽ được lập.

“Chúng tôi cũng sẽ đề xuất Bộ TN&MT xây dựng bộ dữ liệu, bản đồ địa chất, cập nhật vùng có nguy cơ sạt lở và thông báo tới tận từng người dân, từng địa phương. Vùng nào trong diện xung yếu, dễ sụt trượt sẽ không bố trí dân cư, nơi đó sẽ có cảnh báo để bà con hạn chế lui tới.”- ông Cường cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Dốc sức di dân khỏi vùng nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO