UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn với mục tiêu chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đồng thời, từng bước xây dựng địa phương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở đất, mưa lũ |
Cụ thể, đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GRDP; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.
100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiện tại được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc.
Tỉnh đang sắp xếp, di dời dân cư ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao |
Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro. Đồng thời, chỉ đạo việc nâng cao năng lực lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường cơ sở vật chất của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tại các cấp; hướng dẫn củng cố và hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Nội vụ và cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống thiên tai, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn điều chỉnh sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai; đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống công trình đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, chống hạn,...
Phấn đấu đến năm 2030 giảm 50% thiệt hại so với giai đoạn 2011-2020 |
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch,... liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, nước để bảo đảm toàn, hạn chế tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó có những giải pháp nâng cấp trang thiết bị, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai quốc gia và hệ thống quan hóa mạng lưới quan trắc chuyên dùng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện lồng ghép nội dung bảo đảm an toàn phòng, chống thiện tại vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chuyển đổi sản xuất ứng phó với thiên tai; Nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn, phổ biến kỹ năng cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, cộng đồng và người dân. Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng, lắp đặt hệ thống theo dõi, cảnh báo và kiểm soát rủi ro thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.