Quảng Nam: Chủ động đưa Luật BVMT vào cuộc sống

Lan Anh (thực hiện)| 13/01/2022 14:06

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm sớm đưa Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) vào cuộc sống. Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về một số vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Luật.

Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

PV: Luật BVMT được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Xin ông cho biết những điểm mới cần chú ý được quy định trong Luật này?

Ông Trần Thanh Hà:

Liên quan đến những quy định mới, Luật BVMT năm 2020 tập trung vào một số nội dung như: Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT thông qua công nghệ thông tin.

Luật cũng thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn. Luật đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước.

Đặc biệt, Luật BVMT 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn bởi nếu không thực hiện phân loại, chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.

Luật BVMT 2020 cũng lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. Ngoài ra, điểm mới nữa là các nội dung liên quan đến kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước…

PV: Vậy tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai đưa Luật BVMT vào cuộc sống như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hà:

Địa phương sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành với các nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng trên địa bàn (từ cấp tỉnh đến cấp xã, các doanh nghiệp, người dân,…). Ngày 7/12/2021, Sở TN&MT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn về tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT 2020 và sẽ tiếp tục triển khai nội dung này.

Thực hiện rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật quy định công tác quản lý, BVMT trên địa bàn đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Trước mắt, tổ chức xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy định công tác BVMT trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND); Đề án thu phí cấp giấy phép về môi trường trên địa bàn tỉnh. Công việc sẽ hoàn thành trong quý I/2022.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện mô hình liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung phối hợp với địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, hạn chế xảy ra khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Tăng cường sử dụng công nghệ trong các hoạt động kiểm soát, giám sát xả thải các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông, khu dân cư, đô thị...

Sở TN&MT cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, trách nhiệm của doanh nghiệp về thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đóng cửa bãi rác Đại Hiệp…

Tuyên truyền, vận động người dân, trách nhiệm của Doanh nghiệp về thu gom, phân loại chất thải tại nguồn. Ảnh: MH

PV: Một trong những điểm mới của Luật BVMT là khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn. Để thực hiện hiệu quả công tác này, tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai như thế nào?

Ông Trần Thanh Hà:

Phân loại rác tại nguồn là việc làm không mới. Trước đây, Quảng Nam đã thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên quan điểm coi chất thải rắn phát sinh là tài nguyên, phải được quản lý,  phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn, song kết quả chưa cao, chưa thực hiện đồng bộ và rộng rãi, điều này đòi hỏi sự đầu tư và quan tâm chỉ  đạo thực hiện sâu sát hơn.

Thực hiện Luật BVMT 2020, Sở TN&MT đã xây dựng Đề cương nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 24/9/2021.

Trên cơ sở này, Sở sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 nhằm định hướng khung hành động đồng bộ công tác thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho toàn tỉnh Quảng Nam theo phương thức chung; đồng thời, soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình/đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phù hợp điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội, hiện trạng, năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương.

Với mong muốn xây dựng Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 hiệu quả và khả thi, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đang hoàn thiện ý kiến của các Sở, ngành, địa phương và sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Chủ động đưa Luật BVMT vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO