Quảng Bình: Xác định nhiệm vụ ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu

24/03/2015 00:00

(TN&MT) - Do lãnh thổ hẹp, sông ngắn và dốc nên tỉnh Quảng Bình đã chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), vào mùa khô thường xảy ra hiện tượng hạn hán, mùa mưa chịu cảnh nước dâng gây lũ… thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và tính mạng con người. Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch hành động với những mục tiêu cụ thể cần ưu tiên góp phần giảm nhẹ các thảm họa do thời tiết gây ra.

Mất đất – thiếu nước sinh hoạt  đã hiện hữu

Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng, Quảng Bình có nhiệt độ trung bình tăng 3,60C vào năm 2100, số đợt nắng nóng và ngày nắng nóng cũng gia tăng. Mực nước biển trung bình có thể tăng  65cm vào năm 2050, lên 75cm vào năm 2070 và có thể tăng 1m vào năm 2100.

BĐKH được dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của các cộng đồng dân cư ven biển, ven sông tỉnh Quảng Bình. Với kịch bản nước biển dâng 1m thì hiện tượng xâm nhập mặn sẽ tiến vào sâu trong sông, mặn tiềm tàng trong lòng đất dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao và ảnh hưởng tới khoảng 15.000 ha đất ở Quảng Bình. Khoảng hơn 100.000 người vùng ven biển sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều trận lũ dữ dội tràn về, người dân chỉ còn cách trèo lên nóc nhà kêu cứu và tránh lũ.
Nhiều trận lũ dữ dội tràn về, người dân chỉ còn cách trèo lên nóc nhà kêu cứu và tránh lũ.

Thực tế đã cho thấy, thời gian vừa qua BĐKH gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng lớn đến Quảng Bình như nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm chết hàng nghìn con gia súc, nhiều trận lụt dữ dội, liên tiếp tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng nghìn người tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa… Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Bình có 42 đợt lũ, trong đó năm 2007, 2010 đã xảy ra trận mưa lũ lịch sử làm 151 người chết; có 1,737.000 người bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại do lũ khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Không những thế, BĐKH còn làm thay đổi lượng mưa và thiếu hụt lượng nước tại khu vực có núi cao dẫn tới tình trạng hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và bệnh tật ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do khô hạn và xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng…

Xây dựng những mục tiêu sát sườn

Theo sở TN&MT, hiện tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, có 36 chương trình, dự án ưu tiên được đề xuất để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 và 25 chương trình, dự án cho giai đoạn sau năm 2015 thuộc các lĩnh vực: Nâng cao năng lực; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê kè ven biển chống sạt lở và xâm thực; quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm ứng phó với BĐKH; tài nguyên nước và BĐKH; tài nguyên đất; phòng chống thiên tai; nông nghiệp và an ninh lương thực; thủy sản và đa dạng sinh học; hạ tầng đô thị và giao thông; môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh; nghiên cứu giải pháp công nghệ; quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó BĐKH.

Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn như lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐKH tại địa phương còn thiếu. Bên cạnh đó công tác đào tạo tập huấn về lĩnh vực BĐKH chưa cao nên đa số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm...

Để công tác ứng phó với BĐKH đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ sát sườn là tăng cường đầu tư hoàn thiện bảo vệ các công trình ven biển; chuẩn bị các phương án tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng và khu dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm… Sở TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác động của BĐKH cho từng địa phương, từng ngành; xây dựng mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện BĐKH; tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất sạch, các công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân làm gia tăng BĐKH.

Linh Nga

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Xác định nhiệm vụ ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO