Quản lý chất thải rắn

Quảng Bình đặt mục tiêu thu gom và xử lý 98% chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Thanh Tùng 24/07/2024 - 19:18

Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đúng quy định đạt từ 70% trở lên; chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 98% trở lên.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 1368/KH-UBND về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

6(3).jpg
Hình ảnh bãi rác tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Theo đó, Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Đồng thời, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai đến 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với đơn vị thực hiện, thanh toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của UBND tỉnh;

Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tổ chức tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới, đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã.

Ngoài ra, Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đúng quy định đạt từ 70% trở lên; chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 98% trở lên; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 86% trở lên; chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 60% trở lên.

Đồng thời, trên 90% trạm trung chuyển tại các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; trên 75% tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt và trên 85% đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng đồng bộ phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định.

Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2030, chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung đã đóng cửa, ô chôn lấp ngưng tiếp nhận được cải tạo, xử lý rác tồn lưu và tái sử dụng đất theo đúng quy hoạch của địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình đặt mục tiêu thu gom và xử lý 98% chất thải rắn sinh hoạt đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO