Tháo gỡ vướng mắc cho Đồng Nai về vật liệu xây dựng phục vụ thi công sân bay Long Thành và các dự án trọng điểm
(TN&MT) - Ngày 7/2, Tỉnh uỷ Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị thống nhất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy và Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Hồng Văn chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ.
Về phía tỉnh Đồng Nai có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Vũ; lãnh đạo các sở ngành, địa phương của Đồng Nai; chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_2.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_2.jpg)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra hiện trường các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào ngày 01/02/2025. Hội nghị được tổ chức nhằm rà soát khu vực khai thác vật liệu xây dựng, các khó khăn, vướng mắc và thống nhất giải pháp thực hiện cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, hiện nay tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận có rất nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
![small_bo-truong-ket-luan.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_bo-truong-ket-luan.jpg)
Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng thông thường là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp khai thác và các công ty xây dựng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có sự mất cân đối giữa nhu cầu sử dụng của các dự án và khả năng cung cấp của các doanh nghiệp khai thác; các doanh nghiệp khai thác và các chủ mỏ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép khai thác, triển khai hoạt động vì những lý do chủ quan và khách quan…
Tại Hội nghị, Bộ TN&MT phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp khai thác để giải quyết các vướng mắc, đảm bảo tiến độ những dự án.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, các bên cần thẳng thắn xác định những khó khăn, vướng mắc chính trong việc cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ các dự án giao thông trọng điểm, đồng thời đề ra các giải pháp và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các vấn đề, đảm bảo tiến độ các dự án.
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_5.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_5.jpg)
Kiến nghị hỗ trợ đẩy nhanh khai thác khoáng sản phục vụ các dự án giao thông
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Minh Đức, cho biết địa phương hiện đang triển khai ba dự án giao thông quan trọng với nhu cầu vật liệu xây dựng lớn. Các dự án này cần đến 5,167 triệu m3 đá xây dựng, 5,810 triệu m3 đất san lấp và 1,468 triệu m3 cát.
Theo đó, Đồng Nai hiện đang có 32 mỏ đá xây dựng đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, trong đó 26 mỏ đang hoạt động, 05 mỏ hết hạn giấy phép và đang chờ gia hạn, 01 mỏ đã được cấp phép nhưng chưa tiến hành khai thác. Trữ lượng đá còn lại tính đến ngày 31/12/2024 là 265 triệu m3, với công suất khai thác 22 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác đang đối diện với những khó khăn về thủ tục pháp lý. Trong 32 mỏ được cấp phép, 26 mỏ gặp vướng mắc liên quan đến việc cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bên cạnh đó, có một số mỏ còn bị chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và thời hạn khai thác theo giấy phép.
Trước những thách thức này, Đồng Nai kiến nghị không tổ chức thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp khai thác đá, đất san lấp trong thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án quan trọng.
Đồng Nai cũng đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện gia hạn giấy phép khai thác cho 5 mỏ đã hết hạn. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đề xuất việc giao mỏ đá Núi Nứa 3 (Đồng Nai) cho nhà thầu thi công dự án quốc gia để đẩy nhanh tiến độ khai thác, phát triển hạ tầng.
Cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_7.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_7.jpg)
Hiện nay, khu vực phía Nam đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm, dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng đột biến. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện còn thiếu 11,756 triệu m³ đá và 4 triệu m³ đất đắp cho các dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Các khó khăn chủ yếu liên quan đến thủ tục cấp phép, giải phóng mặt bằng và đất đai. Bộ GTVT đề xuất Đồng Nai tổng hợp thông tin các mỏ, đánh giá nguồn cung, phân loại khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cấp phép. Đồng thời, điều chỉnh khai thác tại một số mỏ trọng điểm nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng được đề xuất cho phép nhà thầu tạm tập kết vật liệu không phù hợp tại Khu công nghiệp Amata và tìm thêm vị trí đổ thải hợp lý. Những giải pháp này kỳ vọng giúp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ các dự án.
![avt-copy.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/avt-copy.jpg)
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại diện các nhà thầu, doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, các cơ quan chức năng cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại, trong đó, đề nghị tăng công suất khai thác, hiện tại, công suất khai thác đạt khoảng 16-17 triệu m3/năm, có thể tăng 50% để đạt 25 triệu m3/năm; Nâng độ sâu khai thác, việc điều chỉnh này sẽ giúp gia tăng trữ lượng khai thác và khôi phục các mỏ đã tạm dừng nhằm giúp tăng nguồn cung vật liệu.
Ngoài ra, đề nghị thành lập tổ giải quyết thủ tục pháp lý trong đó có sự tham gia của Bộ TN&MT để đảm bảo tiến độ xử lý nhanh chóng; trong vấn đề cấp phép khai thác nhanh chóng cần đưa sân bay Long Thành và vành đai 3 vào danh sách dự án được hưởng cơ chế đặc thù. Ngoài việc khan hiếm vật liệu, các nhà thầu còn gặp trở ngại về vận chuyển. Trung bình, dự án sân bay Long Thành cần 24.000m3 vật tư mỗi ngày, tương đương 1.000 lượt xe, đề nghị hỗ trợ để vấn đề vận chuyển tốt hơn đồng thời có các giải pháp bảo vệ vấn đề môi trường…
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_9.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_9.jpg)
Tháo gỡ vướng mắc trong khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong cung cấp vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá và cát, đất san lấp, cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như dự án sân bay Long Thành... Các cơ quan chức năng cũng luôn khẩn trương tìm giải pháp đồng bộ để đảm bảo tiến độ các dự án quan trọng.
Tuy nhiên, đối với nhóm nội dung cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra rằng đây là việc thiếu tính chủ động từ cả phía nhu cầu lẫn phía cung ứng. Các chủ đầu tư và nhà thầu chưa xác định rõ nhu cầu về chủng loại, số lượng, yêu cầu chất lượng, tiến độ cung cấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản lại chưa được hướng dẫn và điều phối để có sự chuẩn bị kịp thời, do đó cần phải giải quyết được bài toán cân đối cung và cầu hiện nay.
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_4.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_4.jpg)
Về các giải pháp khắc phục trước mắt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị phải xác định rõ nhu cầu hiện nay, do đó các chủ đầu tư cần lập danh mục cụ thể về các loại vật liệu, khối lượng và yêu cầu chất lượng. Để xác định khả năng cung cấp, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần lên kế hoạch khai thác dựa trên giấy phép hiện hành và khả năng mở rộng.
Trên cơ sở đó, cần có vai trò của các cơ quan nhà nước điều tiết cung và cầu, trong đó UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phải làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu để xác định nhu cầu, đồng thời làm việc với doanh nghiệp khoáng sản để định hướng cung ứng.
Với các các thủ tục hành chính đang vướng mắc hiện nay, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần rút ngắn thời gian cấp phép, gia hạn giấy phép khoáng sản xuống còn 15-20 ngày. Hỗ trợ tối đa các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, quy hoạch để các doanh nghiệp khoáng sản có thể nhanh chóng đưa mỏ vào khai thác. Những vấn đề này Bộ trưởng cho biết đều nằm trong thẩm quyền của địa phương.
Bên cạnh đó, đề nghị địa phương quản lý chặt chẽ giá vật liệu, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp khoáng sản kê khai đúng giá và bán theo giá công bố, không được tự ý tăng giá bán cho nhà thầu. Ngoài ra, cơ quan nhà nước (Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Xây dựng) cần quản lý chặt chẽ việc kê khai và bán giá vật liệu.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về khoáng sản, bảo vệ môi trường, và tránh khai thác trái phép. Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, Bộ trưởng hy vọng rằng bài toán cung cầu vật liệu xây dựng sẽ sớm được giải quyết, đảm bảo tiến độ các dự án quan trọng trong thời gian tới.
Giải bài toán về vật liệu san lấp
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_3.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_3.jpg)
Đối với các kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc thủ tục hành chính về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, hiện nay theo Nghị định số 10, và Nghị định 11/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV cũng như các thông tư hướng dẫn thì thủ tục khai thác vật liệu san lấp đã được đơn giản hóa với 4 nội dung tháo gỡ chính theo quan điểm “bốn không”, đó là: Không cần thăm dò; Không nhất thiết phải phù hợp với quy hoạch; Không phải lập dự án đầu tư để xin chủ trương đầu tư; Không cần lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay xin giấy phép môi trường.
Chỉ ra cho địa phương cũng như các nhà thầu, doanh nghiệp thực hiện khai thác, sử dụng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, hiện nay với những dự án trọng điểm, quy trình khai thác vật liệu san lấp chỉ cần: Khảo sát để xác định trữ lượng; Lập hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy phép quản lý (thay vì có bản xác nhận trước đây). Thời gian cấp phép tối đa 10-15 ngày.
Với việc giải quyết vướng mắc về thủ tục đất đai cho khoáng sản nhóm 4, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý đất đai của Bộ sẽ thành lập một tổ công tác phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường làm việc các chủ mỏ để rà soát thủ tục, đưa ra hướng xử lý nhanh chóng theo các mô hình mà một số địa phương miền núi phía Bắc đã thực hiện tốt như: Không cần thu hồi đất nếu thỏa thuận được với người dân; Lớp đất phủ được bóc ra, để lại, sau khi khai thác xong sẽ hoàn nguyên lại; Đất vẫn thuộc về người dân, chỉ bồi thường cây trồng trên đất…
Áp dụng Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 cho sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_23.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_23.jpg)
Theo như kiến nghị khó khăn của địa phương về những mỏ đá đã hết hạn khai thác và 26/32 mỏ vướng thủ tục gia hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, hiện nay Luật Địa chất & Khoáng sản 2024 cho phép gia hạn nếu còn trữ lượng và doanh nghiệp có nhu cầu. Và điều khoản này có hiệu lực từ 15/1/2025, thẩm quyền gia hạn hoàn toàn thuộc UBND tỉnh. Nếu hồ sơ nộp trước 15/1/2025 theo luật cũ, tỉnh được giải quyết ngay, không cần đợi hướng dẫn mới.
Đối với 26 mỏ đã cấp phép nhưng đang vướng thủ tục, Bộ trưởng cho rằng việc gia hạn giấy phép đầu tư thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch & Đầu tư. Do đó, nếu doanh nghiệp có lý do chính đáng (như dịch COVID-19, vướng giải phóng mặt bằng, nhu cầu cấp bách của trung ương và địa phương), tỉnh có thể chủ động điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Nội dung này thủ tục hành chính có thể thực hiện nhanh chóng trong vòng 1 tuần.
Về cơ chế cấp mỏ đá cho nhà thầu, nếu xác định sẽ dành cung cấp cho các dự án trọng điểm hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết định chỉ định thầu, bỏ qua bước đấu giá để đảm bảo tiến độ dự án. Với cách tính tiền cấp quyền khai thác sẽ dựa theo mức giá trung bình của các mỏ đã đấu giá trước đó. Đối với vấn đề nhà thầu chưa có đủ năng lực khai thác, có thể hợp tác với doanh nghiệp chuyên khai thác khoáng sản để thực hiện.
Địa phương thực hiện các nhiệm vụ trong thẩm quyền
![small_20250207_bt-hop-dong-nai_22.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/07/small_20250207_bt-hop-dong-nai_22.jpg)
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong thẩm quyền của địa phương, tỉnh có thể điều chỉnh quy hoạch để giải quyết vấn đề xung đột giữa quy hoạch khoáng sản và quy hoạch xây dựng…
Nhằm tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản về thủ tục, quản lý giá cả và điều phối cung cầu nhằm đảm bảo cung cấp đủ vật liệu cho các dự án trọng điểm trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị Đồng Nai trong vòng 7-10 ngày, cần có kết quả cân đối cung cầu dựa trên giấy phép hiện tại. Đồng thời, thành lập tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp khoáng sản và nhà thầu trực tiếp giao dịch với nhau về giá cả và vận chuyển, với sự tham gia của cơ quan nhà nước để hỗ trợ.
Bộ trưởng cũng đề nghị thanh tra Chính phủ có thể xem xét lùi thời gian thanh tra đến quý III, IV để các doanh nghiệp tập trung giải quyết thủ tục nhằm đáp ứng các mục tiêu cho việc hoàn thành các dự án trọng điểm. Bộ trưởng cũng lưu ý rằng chủ trương thanh tra toàn diện về địa chất và khoáng sản trên cả nước vẫn được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phạm vi, thời gian và cấp thực hiện cần được cân nhắc để tránh gây áp lực lên doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp vừa phải phục vụ đoàn thanh tra, vừa lo hoàn tất thủ tục pháp lý và điều phối vật liệu có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án.