Đến nay, tỉnh đã thực hiện 20 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các cơ sở sản xuất kinh doanh với 59 tổ chức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Kết quả phát hiện các hành vi vi phạm phổ biến như: sử dụng đất không đúng tiến độ, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đúng quy định, sử dụng đất không đúng phạm vi ranh giới được giao, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không có hiệu quả...
Công tác thanh, kiểm tra đất đai đã hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất |
Theo UBND tỉnh, công tác thanh, kiểm tra đất đai trong thời gian qua đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành luật giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Mặt khác, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được coi trọng, giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đã được tăng cường về số lượng; điều chỉnh về đối tượng đúng trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác thanh, kiểm tra trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc, tồn tại. Nguyên nhân do đất đai là vấn đề nhạy cảm trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của công dân, tổ chức. Trong khi đó khối lượng vụ việc phát sinh nhiều, hệ thống văn bản thường xuyên điều chỉnh, biên chế trực tiếp làm công tác thanh, kiểm tra và giải quyết đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai tại địa phương còn mỏng, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về pháp luật đất đai còn chưa kịp thời, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra còn ít, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai là hoạt động phức tạp, đòi hỏi vừa linh hoạt, mềm dẻo, vừa đúng nguyên tắc, đúng pháp luật. Mặt khác, nhiều vấn đề do lịch sử để lại và chính sách, pháp luật về nhà ở, đất đai qua từng thời kỳ có sự thay đổi, việc quản lý, bố trí sử dụng đất trong quá trình thực hiện chính sách đất đai các thời kỳ chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật đất đai trong giải quyết khiếu nại còn gặp khó khăn.
Để tăng cường hơn nữa công tác này trong thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; đẩy mạnh việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện công tác quản lý đất đai bảo đảm tinh gọn, theo hướng hiện đại. Tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; chỉ đạo từng địa phương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai.
Về tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận (thuộc thẩm quyền) 111 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo, 70 đơn tranh chấp đất đai.
Các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Gia Lai đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 27 tổ chức với số tiền là 1.863.100.000 đồng.