Tỉnh Quảng Trị có tỉ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị năm 2021 đạt 95,5%; khu vực nông thôn đạt 62%. Chất thải rắn sinh hoạt phần lớn chưa được phân loại (đặc biệt là ở khu vực đô thị) và các khu xử lý ở các địa phương đều quá tải hoặc gần như quá tải nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn…
Để đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 530/KH ngày 11/2/2019 về thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ đó, đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 85% đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe những kinh nghiệm thực hiện mô hình/hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Lâm Đồng, Bạc Liêu. Báo cáo hiện trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian tới và đề xuất phương án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đánh giá công tác quản lý chất thải rắn các địa phương; kế hoạch phương án quản lý chất thải rắn và thực hiện phân loại chất thải rắn tại địa phương; góp ý về dự thảo quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, hiện nay một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được ban hành, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Nghị định số 45/2022/NĐ - CP, ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc tổ chức công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Để chuẩn bị cho việc áp dụng quy định và chế tài từ năm 2025 trở đi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng, triển khai các giải pháp và có lộ trình phù hợp, đặc biệt là phải xây dựng các văn bản quy định liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt để cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phải có quy trình, hướng dẫn cụ thể và phải tổ chức tuyên truyền, vận động trước khi áp dụng quy định theo Nghị định số 45/2022/NĐ - CP của Chính phủ.
Với mong muốn xây dựng được phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt và lộ trình phân loại chất thải rắn phù hợp với địa bàn tỉnh; hoàn thiện các văn bản, quy định của tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, các đại biểu tham dự hội thảo cần chia sẻ các mô hình thực hiện hiệu quả trong và ngoài tỉnh, cũng như đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh, nhất là ý kiến của các đơn vị trực tiếp tham gia vào quy trình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.