Cơ sở sản xuất tinh bột sắn của hộ ông Cầm Văn Lân tại bản Nguồn, xã Mường Lang |
Cơ sở sản xuất tinh bột sắn của hộ ông Cầm Văn Lân đi vào hoạt động từ ngày 2/12, với 2 máy nghiền bột sắn và 1 máy rửa củ sắn. Mỗi ngày, cơ sở thu mua khoảng từ 15 - 20 tấn nguyên liệu từ nhân dân tại xã Mường Lang và một số địa phương lân cận; sản xuất được 8 - 10 tấn sản phẩm tinh bột.
Cơ sở có Giấy xác nhận bảo vệ môi trường do UBND huyện cấp; đang hoàn thiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất với quy mô khoảng 100m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lượng nước thải ra tương ứng với lượng nước cung cấp cho quá trình sản xuất, khoảng 52m3/ngày đêm, được thu gom vào 1 ao chứa có lỗ thông bằng nhựa không qua xử lý về môi trường, xả trực tiếp ra ruộng mương vào suối Mứa, xã Mường Lang.
Cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ mà Đoàn kiểm tra đã yêu cầu thực hiện từ tháng 8/2019. Cơ sở có quy mô, công suất hoạt động thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi Sở TN&MTM xác nhận.
Ngày 8/12, UBND xã Mường Lang đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục về bảo vệ môi trường, nhưng cơ sở chưa chấp hành. Cơ sở xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở dừng mọi hoạt động; hoàn thành ngay kế hoạch bảo vệ môi trường gửi Sở TN&MT xác nhận đảm bảo theo quy định, báo cáo Đoàn kiểm tra chậm nhất ngày 20/12/2019.
Năm 2019, trên địa bàn huyện Phù Yên còn 5 cơ sở chế biến tinh bột sắn, dong giềng đang hoạt động |
Khẩn trương có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do cơ sở gây ra với toàn bộ môi trường xung quanh và hạ lưu dòng suối Mứa. Hoàn thành xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống của hệ thống xử lý, báo cáo Sở TN&MT xác nhận, chậm nhất ngày 30/12/2019.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị xã Mường Lang thường xuyên giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; báo cáo UBND huyện qua Phòng TN&MT.
Hiện cơ sở đã dừng mọi hoạt động sản xuất để khắc phục môi trường và xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường theo quy định.
Hộ ông Cầm Văn Lân cũng cam kết: Nếu tiếp tục để xảy ra ô nhiễm hoặc các sự cố về môi trường, sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường mọi thiệt hại do cơ sở gây ra.
Được biết, năm 2018, trên địa bàn huyện Phù Yên có 17 cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng.
Tháng 8/2019, Phòng TN&MT đã phối hợp với Công an huyện và UBND các xã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trước khi vào mùa vụ sản xuất (khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau).
Đến thời điểm hiện tại, còn 5 cơ sở trên địa bàn 5 xã (Huy Tân, Huy Thượng, Tân Lang, Mường Lang, Tường Thượng) đang hoạt động và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất.
Trong thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, chất thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo môi trường tăng cường thu mua nông sản cho nhân dân.
Đẩy mạnh công tác phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, giám sát các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Nâng cao trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng của UBND cấp xã, trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra ô nhiễm trên địa bàn quản lý.
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.