Xã hội

Phong Thổ (Lai Châu): Tìm hướng thay cây chuối để mang lại kinh tế cao hơn

Trần Hương 27/04/2023 - 16:16

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều diện tích trồng chuối tây (loại chuối quả ngắn) của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang chuyển sang giai đoạn, chu kỳ thoái hóa. Chính vì vậy, năng suất sản lượng giảm. Tuy nhiên, giá chuối đang được các thương lái thu mua cao hơn so với cùng thời điểm dịch Covid diễn ra năm 2021 khoảng 3.000 – 5.000đồng/kg. Song tâm lí chung của người dân và cả phía chính quyền cũng có tư tưởng, thay thế cây trồng khác tại diện tích trồng chuối trước đây hiện đã hết vòng đời sinh trưởng.

Trao đổi vấn đề này với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Phong Thổ, cho biết: Hiện nay, diện tích chuối của các xã Nậm Xe, Bản Lang, Huổi Luông cơ bản đang bước và chu kỳ thoái hóa, năng suất giảm, sản lượng giảm. Thị trường thu mua chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của phía Trung Quốc, giá bán phụ thuộc vào từng thời điểm, dao động từ 5.000đ – 20.000đ/kg. Tại thời điểm này, thương lái đang thu mua với giá 13.000đ – 18.000đ/kg.

Được biết, những năm trước đây dọc các xã biên giới từ Nậm Xe, Bản Lang đến Huổi Luông, Ma Ly Pho người dân trồng chuối bạt ngàn. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng chuối. Những năm 2020 – 2021, huyện Phong Thổ có gần 4.000ha chuối. Trong đó, trên 3.500ha cho thu hoạch, sản lượng trung bình khoảng gần 60.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm chuối quả là xuất bán sang Trung Quốc và huyện Phong Thổ trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Lai Châu trong sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là chuối, ngô, sắn... Cây chuối đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân các xã biên giới, mỗi năm thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/hộ trồng chuối (đã trừ chi phí), thu nhập từ cây chuối cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, khi thị trường thu mua không còn sôi động thì người dân sẽ lại khó khăn về đầu ra, khiến cho người dân không mặn mà trong việc thâm canh tăng vụ, áp dụng kỹ thuật làm tăng sản lượng. Trong khi đó, một diện tích lớn cây chuối của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hiện tại đang bước vào chu kỳ thoái hóa. Người dân đối mặt với việc lựa chọn trồng cây gì thay thế.

a1.jpg
Hiện nay chuối được thu hoạch tại huyện Phong Thổ còn rất ít

Dọc Quốc lộ 12, tuyến Điện Biên – Lai Châu rất dễ thấy hình ảnh nhiều nương chuối của đồng bào cây, lá sơ xác. Một phần do khô hạn, một phần do cây đã lụi. Nhiều khoảnh nương người dân phạt cây chuối nằm la liệt trên nương, thân phơi khô nỏ. Còn rất ít diện tích chuối phát triển xanh tốt. Đây cũng là thời điểm khó khăn của huyện Phong Thổ khi mà toàn bộ diện tích chuối gần 3.000ha đồng loạt suy thoái. Đồng nghĩa với đó, cây chuối của huyện Phong Thổ, tại thời điểm này không còn là cây cứu cánh, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi đây giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.

Ngoài việc khó khăn về thị trường, đầu ra không ổn định và vườn cây đến chu kỳ bị thoái hóa thì người trồng chuối ở huyện Phong Thổ còn phải đối mặt với một khó khăn lớn nữa từ sâu bệnh, khiến cây chuối khô chết hàng loạt. Đặc biệt, đối với loại bệnh sâu đục thân, ăn nõn, thối ngọn. Đây là loại bệnh được xác định rất khó chữa trên cây chuối.

Nguyên nhân, do đồng bào các dân tộc thiểu số không có thói quen trong việc cải tạo đất trồng để phòng trừ sâu bệnh. Vì diện tích trồng chuối của cả huyện Phong Thổ rất lớn, nếu để chính quyền bỏ chi phí cải tạo lại đất trồng cho người dân là điều rất khó thực hiện, vì chi phí lớn. Chính vì vậy mà tương lai không xa, cây chuối sẽ không phải là cây ưu tiên để Phong Thổ khuyến khích người dân trồng lại trên những diện tích đất đã trồng chuối trước đây. Trong khi, cán bộ khuyến nông của huyện cũng đã tới địa bàn các xã để kiểm tra mầm bệnh, loại bênh, đồng thời tuyên truyền, định hướng người dân trồng các loại cây khác như sắn, ngô... để thay thế.

a2.jpg
Những vườn chuối của người dân huyện Phong Thổ đến kỳ thoái hóa

Anh Vàng A Dao, dân tộc Mông, ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết, gia đình anh trồng gần 1.700 gốc chuối được 5 năm nay. Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, trung bình mỗi tháng gia đình có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng tiền bán chuối xanh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, có những thời điểm chuối chín rũ trên nương cũng không buồn lấy về do Trung Quốc không thu mua. Bây giờ họ thu mua trở lại thì chuối lại đến thời kỳ thoái hóa, hết vòng đời sinh trưởng, sâu bệnh nhiều. Nhiều cây chưa kịp ra buồng cho thu hoạch đã thối ngọn, đổ cây, khô cây chết lụi.

Cũng chính vì cây chuối ở Phong Thổ đã qua thời “hưng thịnh”, nên chính quyền huyện Phong Thổ và các bộ phận chuyên môn đang định hướng cho người dân chuyển hướng cây trồng.

Ông Nguyễn Cảnh Đức, cho biết thêm: Chúng tôi đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển hướng sang trồng cây chanh leo, cây dong riềng… để tạo thu nhập cho người dân, đồng thời để đất có thời gian phục hồi dinh dưỡng.

Diện tích cây chuối của huyện Phong Thổ là 2.701,8ha. Trồng tập trung tại các xã vùng thấp gồm: Huổi Luông, Ma Li Pho, Hoang Thèn, Nậm Xe, Bản Lang và xã Mường So. Năng suất đạt khoảng 9,71 tạ/ha/năm. Những năm trước đây, cây chuối được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc huyện Phong Thổ, nhiều hộ gia đình khả giả, thoát nghèo nhờ trồng chuối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong Thổ (Lai Châu): Tìm hướng thay cây chuối để mang lại kinh tế cao hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO