Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng

16/08/2016 00:00

(TN&MT) - Tại tỉnh Nam Định, việc xây dựng các phương án giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đang từng bước cho thấy hiệu quả. Thời gian tới, kế hoạch...

(TN&MT) - Tại tỉnh Nam Định, việc xây dựng các phương án giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đang từng bước cho thấy hiệu quả. Thời gian tới, kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã sẽ chú trọng hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu.
 
Người dân tự lập bản đồ rủi ro thiên tai cấp xã
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều xã của tỉnh Nam Định đã xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai ở cấp xã. Bản đồ cung cấp thông tin về tác động của thiên tai đối với từng khu vực cụ thể trong xã đó, tập trung vào tình huống bão mạnh kèm theo mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng. Đây là loại hình thiên tai phổ biến đối với một tỉnh ven biển như Nam Định, làm thiệt hại nặng nề cả về sản xuất, công trình, nhà cửa. 
 
Theo ông Nguyễn Công Chức, Trưởng Hợp phần thích ứng của Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), việc xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai cấp xã là cơ sở để xác định các bước đi trong kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương. Bản đồ khoanh vùng cụ thể và đánh giá mức độ những nơi có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa bão, xác định khu vực nguy hiểm dễ ngập sâu hay gió bão mạnh, khu vực an toàn để người dân có thể di chuyển tránh trú… “Điểm hay là bản đồ do người dân tự xây dựng nên hết sức cụ thể và dễ hiểu, dựa trên thực tế xảy ra tại địa phương và kinh nghiệm cộng đồng”, ông Chức nhấn mạnh.
 
Đội ứng phó khẩn cấp giúp người dân chằng chống nhà cửa trước cơn bão.
Đội ứng phó khẩn cấp giúp người dân chằng chống nhà cửa trước cơn bão.
 
Hiện, USAID đã hỗ trợ 24 xã trong tỉnh Nam Định xây dựng bản đồ cũng như kế hoạch phòng, chống thiên tai. Đồng thời, thành lập các đội ứng phó thiên tai cộng đồng, cung cấp trang thiết bị để kịp thời cứu hộ cứu nạn, chằng chống nhà cửa, hướng dẫn người dân xử lý tình huống khi có thiên tai, dọn dẹp cây xanh, công trình gãy đổ, hỏng hóc…
 
Ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Chủ tịch UBND xã Giao Hải (huyện Hải Hậu) cho biết: Dù những năm gần đây không gặp bão nhưng xã vẫn nghiêm túc triển khai công tác diễn tập phòng chống thiên tai đều đặn hằng năm, bổ sung xây dựng kế hoạch cho sát với tình hình địa phương. Các buổi diễn tập đã giúp các thành viên Ban Chỉ huy địa phương thuần thục hơn trong công tác chỉ đạo, triển khai phương châm “4 tại chỗ”. Người dân đã có kỹ năng cần thiết, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn. 
 
Chính vì vậy, thời điểm cơn bão số 1 bất ngờ đổ bộ vào Nam Định, xã Giao Hải cùng nhiều xã ven biển, đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước đó, bão được dự báo là di chuyển hướng vào Quảng Ninh – Hải Phòng nhưng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp xã không hề lơi là. Chính quyền xã đã kêu gọi hơn 200 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, sắp xếp neo đậu; đôn đốc các hộ có nhà cửa xung yếu gia cố, chằng chống và chuyển đến các các cơ sở, trụ sở kiên cố như trường học, trạm y tế để đảm bảo an toàn, kêu gọi toàn bộ lao động trên các đầm nuôi trồng thủy hải sản vào bờ… 
Sự cẩn thận không thừa bởi khi bão đổ bộ, cấp gió của cơn bão đo được tại các huyện ven biển mạnh đến cấp 12, giật cấp 13, mạnh hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Dù chưa kịp phát lệnh sơ tán nhưng Nam Định không có thiệt hại về người.
 
Cần tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
 
Thực tế cho thấy, các kế hoạch phòng, chống đã được triển khai ráo riết nhưng bão số 1 vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Nam Định, đặc biệt là sản xuất lúa với hàng nghìn ha phải gieo cấy lại và 80ha nuôi trồng thủy hải sản mất trắng. Nguyên nhân được cho là sự thay đổi đường đi đột ngột của bão khiến công tác dự báo không chính xác, người dân không kịp thu hoạch sớm thủy hải sản và rút nước ruộng để tránh bão. Đây cũng chính là yếu tố bất thường trong thiên tai mà các chuyên gia dự báo nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, một trong những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
 
Ông Nguyễn Công Chức cho biết, trong quá trình triển khai Dự án rừng và đồng bằng tại Nam Định, chúng tôi đánh giá rất cao quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống bão, lũ của địa phương cũng như cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhận thức về biến đổi khí hậu của đa phần người dân còn khá hạn chế.
 
Điều này cũng dễ hiểu bởi các biểu hiện của BĐKH như nước biển dâng cao hay nhiệt độ tăng diễn biến rất chậm, khó cảm nhận được. Thay vào đó, chúng tôi tích cực tuyên truyền và phổ biến về những ảnh hưởng của BĐKH dễ thấy như: đường bờ biển bị lấn sâu vào đất liền (đoạn xã Hải Lý – Hải Triều (huyện Hải Hậu) bị lấn vào 10 – 20m/năm), thu hẹp diện tích đất canh tác do nhiễm mặn, gia tăng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, mất mùa, năng suất giảm… và gần đây là yếu tố bất thường, nguy hiểm của gió bão, mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng đến an toàn và sinh kế của người dân.
 
Trong phạm vi của Dự án, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Nam Định trang bị kiến thức BĐKH cho các cấp chính quyền, cán bộ quản lý để có phương án tăng cường lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp thôn, xã; nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho 8 xã, tập huấn kiến thức về phòng, chống thiên tai và ứng phó BĐKH tại các trường học, phổ biến những mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH… Mục tiêu lớn nhất là nâng cao nhận thức và giúp người dân giảm thiểu tối đa thiệt hại, thích ứng với những thay đổi môi trường do BĐKH gây ra.
 
Khánh Ly
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO