Phát triển ngành nhựa đi ngược lại Thỏa thuận Paris

Khánh Ly| 04/09/2020 20:11

(TN&MT) - Ngày 4/9, tổ chức Carbon Tracker vừa công bố báo cáo “Tương lai không nằm ở nhựa” (The Future’s Not in Plastics). Báo cáo chỉ ra, việc hạn chế sử dụng nhựa hiện là quyết tâm của toàn thế giới và điều này có thể khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa nguyên sinh giảm từ 4% một năm xuống dưới 1%, với dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2027.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, nhu cầu nhựa là động lực mạnh nhất thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ gia tăng. Ông Kingsmill Bond, Chiến lược gia năng lượng của Carbon Tracker và là tác giả chính của báo cáo nhận định, ngành công nghiệp hóa dầu đã và đang đối mặt với giá nguyên liệu nhựa thô thấp kỷ lục do tình trạng sản xuất dư thừa tràn lan. Mặc dù vậy, ngành này vẫn có kế hoạch mở rộng nguồn cung cho sử dụng nhựa nguyên sinh thêm 25% với chi phí ít nhất 400 tỷ USD trong 5 năm tới.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn nạn của toàn thế giới

Các khoản đầu tư này nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro lớn khi nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đồng thời, chính phủ các nước cũng bắt đầu hành động để đạt được các mục tiêu khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Mỗi tấn nhựa tiêu tốn của xã hội 1.000 USD chi phí ngoại ứng, tương đương 350 tỷ USD mỗi năm. Từ phát thải CO2, những chi phí sức khỏe liên quan đến khí độc, chi phí thu gom và ô nhiễm đại dương trầm trọng đến mức báo động. Trong khi đó, 36% nhựa chỉ được sử dụng một lần, 40% nhựa gây ô nhiễm môi trường và chỉ 5% nhựa thực sự được tái chế.

Đặt giả định nhu cầu nhựa đạt 350 triệu tấn vào năm 2030, với tổng lượng phát thải carbon cho mỗi tấn vào khoảng 5 tấn CO2, có nghĩa mức phát thải sẽ lên đến 1,75 tỷ tấn CO2. Nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại tiếp tục kéo dài, “dấu chân carbon” của nhựa sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này, lên khoảng 3,5 tỷ tấn.

Tuy vậy, Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu lượng khí thải CO2 toàn cầu (33 tỷ tấn từ lĩnh vực năng lượng vào năm 2018) phải được cắt giảm còn một nửa vào năm 2030 và về 0 vào giữa thế kỷ này.

Hiện nay, đã có các giải pháp công nghệ cho phép cắt giảm sử dụng nhựa đáng kể với chi phí thấp hơn so với thông thường. Các giải pháp bao gồm tái sử dụng, với thiết kế và quy định về sản phẩm tốt hơn, sử dụng các vật liệu thay thế như giấy, song song với đẩy mạnh tái chế.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Trung Quốc đã và đang thực hiện các bước giảm thiểu rác thải nhựa bằng nhiều phương thức khác nhau, từ ban hành quy định, lệnh cấm đến đánh thuế, đặt ra các mục tiêu và xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế.

Ví dụ, vào tháng 7/2020, EU đã đề xuất mức thuế 800 Euro/tấn đối với nhựa phế thải không tái chế trong khi Trung Quốc cũng có quy định quản lý tương tự và đã bắt đầu cấm một số loại nhựa nhất định. Trung Quốc đã có bước đi quyết liệt đầu tiên vào năm 2018 khi cho đóng cửa phần lớn ngành nhập khẩu và xử lý chất thải nhựa, buộc các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải giải quyết rác thải trong nước.

Báo cáo ghi nhận nhu cầu nhựa đang chững lại ở các thị trường phát triển, và khuynh hướng đi tắt đón đầu ở các thị trường mới nổi. Cũng giống như xu thế ở các lĩnh vực khác trong hệ thống năng lượng, nhu cầu nhựa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đang chững lại, đồng thời lãnh đạo ở các thị trường mới nổi cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhựa.

Một yếu tố quan trọng nữa có thể làm suy yếu nguồn cầu của hóa dầu chính là tác động của các chính sách toàn cầu giải quyết biến đổi khí hậu. Mọi giai đoạn trong chuỗi giá trị của nhựa đều thải ra CO2 - bao gồm đốt, chôn lấp hoặc tái chế, chứ không chỉ ở riêng quá trình khai thác dầu và sản xuất. Phân tích cho thấy, nhựa thải ra lượng CO2 nhiều gấp đôi so với việc sản xuất một tấn dầu.

“Ngành công nghiệp nhựa chỉ đơn giản là đang ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể tăng gấp đôi lượng khí thải carbon trong khi phần còn lại của thế giới đang cố gắng cắt giảm chúng về con số 0”, ông Kingsmill Bond nhấn mạnh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành nhựa đi ngược lại Thỏa thuận Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO