Phát triển lâm nghiệp bền vững: Giải pháp chống sa mạc hóa và suy thoái đất

Thiên Nhiên| 26/07/2019 14:29

(TN&MT) - “Phát triển lâm nghiệp bền vững – Giải pháp chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam” là chủ đề Hội thảo nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa năm 2019 do Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Trường Đại học Lâm nghiệp - Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội.

Gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Tổ chức quốc tế, các Trường Đại học và đông đảo các em sinh viên thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp tham dự. PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp và NGND.GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đồng chủ trì Hội thảo.

t12(1).gif
Các nguyên nhân gây sa mạc hóa phần lớn đều liên quan đến sự tồn tại và mất đi của rừng. Ảnh: MH

PGS.TS Phạm Văn Điển cho biết, sa mạc hóa và suy thoái đất là vấn đề có quy mô toàn cầu, có ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến phát triển bền vững, an toàn sinh thái, an ninh xã hội và an ninh lương thực. Số liệu thống kê cho thấy, năm 1990 có 110 nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề sa mạc hóa và suy thoái đất với 900 triệu dân số và 25% diện tích đất đai bị suy thoái. Đến năm 2017, sa mạc hóa và suy thoái đất đã ảnh hưởng tới 163 quốc gia với 1,3 tỷ người dân và 27% diện tích đất đai bị suy thoái. “Hiện nay, mỗi năm các quốc gia trên thế giới bị “bốc hơi” khoảng 450 tỷ USD do sa mạc hóa. Nếu thiếu các giải pháp ở quy mô toàn cầu và quốc gia, đến năm 2050 sẽ bị thiệt hại 23 nghìn tỷ USD. Nếu cả thế giới cũng nỗ lực, con số này có thể giảm xuống còn 4600 tỷ USD” - PGS.TS Phạm Văn Điển chia sẻ tại Hội thảo.

Nhận thức được các ảnh hưởng và tác động nghiêm trọng của sa mạc hóa và suy thoái đất, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đều nhất trí cho rằng, cần có các biện pháp để chống sa mạc hóa và suy thoái đất thông qua việc kiểm soát, điều tiết các nhân tố dẫn đến sa mạc hóa và quản lý tốt các nhân tố bảo vệ môi trường sinh thái. “Sự ra đời của Công ước chống sa mạc hóa năm 1992 và việc Việt Nam tham gia công ước năm 1998 là dấu mốc quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay có 197 bên tham gia, trong đó có 110 quốc gia” - PGS.TS Phạm Văn Điển cho biết.

t13(1).jpg
Sản xuất lâm nghiệp để rừng xanh hơn. Ảnh: MH

PGS.TS Phạm Văn Điển chia sẻ, là đất nước nhiệt đới, chịu ảnh hưởng lớn của biến đối khí hậu tào cầu và nước biển dâng, Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp căn bản là phát triển lâm nghiệp bền vững. Ở Việt Nam, rừng đã được xem như một loại cơ sở hạ tầng “xanh”, là trụ cột xanh cho phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đang phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp để rừng xanh hơn, mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội cao hơn. Mặt khác, rừng là nguồn nước, nước là sự sống… các nguyên nhân gây suy thoái và sa mạc hóa phần lớn đều liên quan đến sự tồn tại và mất đi của rừng.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam mặc dù nằm trong vùng có điều kiện nhiệt đới nắng ẩm mưa nhiều nhưng vẫn có nguy cơ bị sa mạc hóa và suy thoái đất. Đến năm 2016, có 1.307.000 ha đất chiếm 4% diện tích, diện tích đất có dấu hiệu suy thoái là 2.398.200 ha chiếm 7.3% diện tích tự nhiên và diện tích đất có nguy cơ suy thoái là 6.695.000 ha chiếm 20,3% diện tích.

Nguyên nhân sa mạc hóa có nhiều, nhưng chủ yếu do con người tác động tiêu cực lên đất đai làm thay đổi trạng thái sinh, lý hóa của đất. Và để từng bước ngăn chặn tình trạng suy thoái đất, cần tiến hành nhiều giải pháp từ giải pháp thủy lợi đến giải pháp canh tác tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp bền vững là giải pháp căn bản để chống suy thoái đất và sa mạc hóa tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lâm nghiệp bền vững: Giải pháp chống sa mạc hóa và suy thoái đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO